“Em chỉ mong thi đỗ đại học, ra trường có việc làm. Nếu sau này thành đạt, em sẽ quay trở lại Trung tâm Bảo trợ xã hội ở quê hương để hỗ trợ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh như mình”. Đó là tâm sự chân thành của thí sinh Hoàng Văn Bình, xã Như Khuê, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn khi lên Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014.
Tuy là con trai, gương mặt cứng cỏi nhưng Văn Bình lại không bạo dạn như các bạn cùng trang lứa. Phải mất một thời gian khá lâu để tiếp cận, tôi mới được em cởi mở tấm lòng.
Ánh mắt ngấn lệ, Bình đã không không giấu nổi sự xúc động khi kể về bản thân và hoàn cảnh gia đình. Điều mà tôi ấn tượng ở cậu thí sinh này là dù hoàn cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm nhưng em đã và đang nỗ lực vươn lên để học tập và sống có ích.
Không như những học sinh khác được cha mẹ, người thân luôn bên cạnh, Hoàng Văn Bình đã phải trải qua tuổi thơ khốn khó khi bố mất từ khi em còn nhỏ. Mẹ Bình không hiểu vì lý do gì cũng bỏ lại em cho ông và chú nuôi.
Những tưởng rằng “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì” nhưng dường như số phận đã không cho em được gần gũi người thân khi năm lên 9 tuổi, Bình lại một lần nữa hứng chịu sự mất mát tình cảm khi bị đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Năm đó, ông của Bình ốm nặng, hoàn cảnh của gia đình chú lại quá khó khăn nên không thể cưu mang được đứa cháu tội nghiệp.
Từ đó đến nay, cậu học trò nghèo sống ổn định dưới sự che chở, cưu mang của các cô bác, anh chị em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Cũng được đi học như bao học sinh khác nhưng Bình luôn cảm thấy mặc cảm và tự ti vì hoàn cảnh của bản thân.
Vươn lên nhờ sự chia sẻ, cưu mang từ “cô giáo như mẹ hiền”
Trải lòng mình, Hoàng Văn Bình cho biết, có lúc chán nản, em đã từng buông xuôi tất cả nên có thời gian học hành sao nhãng. Thế nhưng, năm lên lớp 8, em được cô giáo dạy môn Hóa học luôn ở bên cạnh động viên, chia sẻ tinh thần để vượt qua những lúc khó khăn nhất. Cô giáo coi em như là con trai và em cũng coi cô như là người mẹ của mình. Nhờ sự chăm sóc, an ủi, động viên kịp thời và thường xuyên của cô, cậu học trò mới lớn đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức để học tập và rèn luyện tốt hơn.
Nếu như từ năm học lớp 7 trở xuống, sức học của cậu học trò bất hạnh chỉ ở mức khá thì từ năm lớp 8 trở đi, Bình luôn giành được vị trí cao ở trong lớp về thành tích học tập. Năm lớp 9, em đã tham dự kỳ thi học sinh giỏi Hóa học cấp tỉnh và đã đạt giải Ba. Thành tích này cũng là nền tảng để em có thêm nghị lực, vượt qua mọi khó khăn để phấn đấu hơn trong học tập cho đến hôm nay.
Học cấp III Chuyên Hóa, trường THPT Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Văn Bình luôn học đều các môn. Đặc biệt, đối với 3 môn: Toán, Lý, Hóa, em đều có điểm số cao và được nhà trường, Trung tâm Bảo trợ xã hội ở địa phương đánh giá cao về nghị lực vượt khó và ý thức kỷ luật.
Mặc dù gặp khó khăn trong cuộc sống và thiếu thốn về tình cảm từ khi còn nhỏ nhưng Văn Bình luôn cho rằng, em vẫn còn may mắn hơn so với nhiều người khác. Tận mắt chứng kiến nhiều bạn, các em nhỏ ở Trung tâm không có khả năng tự chăm sóc cho bản thân, Bình cảm thấy sự cô đơn, thiếu thốn của mình chẳng thấm tháp gì so với họ nên em luôn nghĩ phải tiếp tục sống có ích để còn giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình.
Tâm sự với tôi, Bình bộc bạch: “Em chỉ mong thi đỗ đại học Kinh tế Quốc dân, ra trường có việc làm. Nếu sau này thành đạt, em sẽ quay trở lại Trung tâm Bảo trợ xã hội ở quê hương để hỗ trợ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Ngoài ra, em còn mong rằng sẽ tìm được mẹ, dù mẹ đã bỏ em. Chắc mẹ cũng có nỗi khổ tâm nên mới làm thế nhưng em luôn muốn tìm mẹ và mong mẹ về với em”.
Cuộc sống luôn công bằng, không cho ai tất cả và không lấy đi của ai tất cả. Điều quan trọng là mọi người phải tự nhận ra và sống hết mình với những gì đang có. Chàng trai trẻ Hoàng Văn Bình đã hiểu được điều đó nên cũng đang vượt qua tất cả khó khăn, thiếu thốn để nuôi dưỡng ước mơ và hoài bão. Cầu chúc cho những khát khao của em sớm trở thành hiện thực!./.