Sáng nay (4/7), hơn 571.600 thí sinh khối A, A1 và V chính thức làm bài thi môn Toán - môn thi đầu của đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2014.

Từ 6h sáng nay, hầu hết thí sinh đã có mặt tại hội đồng thi. Trên các tuyến đường ở Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với sinh viên tình nguyện đã được huy động từ 5h sáng để giải tỏa tùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh và người nhà đến địa điểm thi an toàn. Theo quan sát của phóng viên VOV.VN, không thấy có hiện tượng tắc đường lâu dài ở các những địa điểm tổ chức thi.

Tuy nhiên, tại một số địa điểm thi, nhiều phụ huynh lo sợ tắc đường nên đã đưa con đến hội đồng thi từ rất sớm. Đến địa điểm thi từ 5h45, anh Lê Trọng Hòe, quê ở Thanh Hóa cho biết: “Tôi lên Hà Nội từ hôm 1/7, được sinh viên tình nguyện hướng dẫn nên tôi và con trai đã được ở trong ký túc xá. Hôm qua, tôi đưa con đi làm thủ tục dự thi rất sớm và hôm nay, hai bố con dậy từ 5h và sắp xếp hành lý đến địa điểm thi. Hai bố con sợ tắc đường và thời tiết nắng nóng nên đã đi rất sớm. Đúng 5h45, bố con tôi đã có mặt ở hội đồng thi”.

bac_hoe_xntl.jpg 

Anh Lê Trọng Hòe là một trong những người đưa con đến địa điểm thi sớm nhất

Dù con trai đã lớn nhưng anh Hòe vẫn để ý chăm chút cho con cho đến khi nhìn thấy con vào phòng thi thì mới yên tâm ra đứng ngoài cổng trường đợi con thi xong.

Tuy không căng thẳng, lo lắng ôn luyện và chuẩn bị mọi thứ cho kỳ thi ĐH, CĐ nhưng các ông bố, bà mẹ và người thân của các thí sinh vẫn âm thầm, lặng lẽ theo dõi từng bước đi, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho con em họ một cách rất chu đáo và cảm động.

Để mọi công việc, ruộng vườn ở nhà cho người con dâu cả trông nom, bác Bùi Thị Nguyệt, quê ở Bắc Giang đưa cậu con trai út lên Hà Nội thi ĐH. Sinh được 5 người con thì chỉ có con út là được học hành đến lớp 12. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng bác Nguyệt luôn hy vọng đứa con trai út thi đỗ ĐH. May mắn là bác Nguyệt có người bà con ở trên Hà Nội nên đã được ở nhờ trong thời gian con thi ĐH.

Tuy nhiên, từ hôm 30/6 đưa con đi thi ĐH, bác Nguyệt không khỏi thấp thỏm lo lắng. Sợ con không quen với môi trường, thức ăn đường phố, bác Nguyệt đã tự đi chợ từ sớm mua thức ăn để về nhà người quen nấu ăn cho con trai. Sáng sớm nay, hai mẹ con cũng đã kịp bắt xe ôm từ sớm để đến địa điểm thi đúng giờ và an toàn.

Bác Nguyệt tâm sự: “Mấy ngày đưa con lên thành phố thi ĐH, tôi luôn thấp thỏm lo cho cháu. Có đêm không ngủ được vì lo cho con. Cả gia đình chỉ có cháu là được học hành cao nên tôi chỉ mong cháu thi đỗ ĐH, ra trường tìm được việc làm cho đỡ vất vả hơn các anh chị nó”.

 

Phụ huynh và người thân của thí sinh đợi con em ở ngoài cổng trường thi

Chia sẻ với nỗi lòng của người thân chăm lo cho mình lên Hà Nội dự thi ĐH, thí sinh Đồng Mạnh Quyết, quê ở Ninh Bình dự thi vào ĐH Điện lực chia sẻ: “Bố mẹ em đều đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu nên đưa em lên Hà Nội thi ĐH chỉ có chị gái. Chị lo cho em từng bữa ăn, giấc ngủ. Em cùng chị đến hội đồng thi từ lúc 5h30. Trên đường đi, hai chị em đã kịp ăn sáng. Khi đưa em vào phòng thi, em bảo chị cứ về phòng trọ, khi nào em thi xong thì hãy đến đón nhưng chị vẫn đứng đợi ở ngoài cổng trường cho đến lúc em thi xong”.

Chỉ ra chỗ chị gái đang đứng, Quyết không khỏi suy tư vì sự quan tâm và lo lắng cho đứa em lần đầu lên Hà Nội thi đại học. Quyết mong muốn thi đỗ đại học, ra trường tìm được việc làm để bố mẹ đỡ vất vả.

Năm nào cũng vậy, hàng nghìn thí sinh lên các thành phố lớn thi ĐH, CĐ là ngần ấy cha mẹ, người thân của họ đều phấp phỏng lo âu. Thấu hiểu được tâm trạng, suy tư đó, các trường ĐH, CĐ đã phối hợp với các cấp, ban ngành và lực lượng sinh viên tình nguyện có nhiều hoạt động để chia sẻ, động viên, kịp thời hộ trợ thí sinh và người nhà của họ một cách kịp thời.

 

Hỗ trợ mượn chiếu miễn phí cho thí sinh và người nhà tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Nhiều trường ĐH, CĐ đã chuẩn bị hàng nghìn suất ăn, bố trí hàng trăm chỗ ở miễn cho thí sinh và người thân có hoàn cảnh khó khăn. Những chỗ ở tuy không đầy đủ tiện nghi, những suất cơm tuy không có giá trị nhiều về vật chất nhưng lại có nhiều ý nghĩa về tình cảm và tinh thần nhằm góp phần động viên, chia sẻ  khó khăn, làm vơi nỗi nhọc nhằn với những thí sinh và người nhà từ khắp chốn xa xôi./.