Sáng 21/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.
Theo Ban soạn thảo, việc sửa đổi Bộ Luật Dân sự nhằm xây dựng Bộ Luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế- xã hội sau khi Hiến pháp được sửa đổi.
Dự thảo Bộ luật có 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều và bãi bỏ 149 điều so với Bộ Luật hiện hành. Theo đó, dự thảo Bộ Luật đưa ra một số nội dung mới, như quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ thân nhân và quan hệ tài sản; bổ sung quy định cụ thể về mối quan hệ giữa Bộ Luật Dân sự với các luật khác có liên quan theo nguyên tắc: Bộ Luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Cụ thể hóa thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, dự thảo Bộ Luật quy định: tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân đều được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, Bộ Luật Dân sự cần bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án Nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều kiện áp dụng. Trong trường hợp chưa có điều luật thì Tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự của người dân.
PGS.TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: “Đối với Luật Dân sự thì các giải pháp được xây dựng do tính chất của mối quan hệ dân sự. Có nghĩa là các chủ thể hoàn toàn bình đẳng, có tài sản riêng và tự định đoạt những tài sản đó. Chính vì vậy các giải pháp mềm mại và có tính chất khác biệt hơn so với Luật Hình sự, Hành chính hay Hiến pháp”.
Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể. Ngoài 2 hình thức sở hữu này, có ý kiến đề nghị Bộ luật Dân sự cần quy định về sở hữu toàn dân. Theo đó, cần có quy định riêng về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản công thuộc sở hữu toàn dân./.