Sáng 2/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2015 (Chương trình 504) tổ chức tọa đàm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền khắc phục hậu quả bom mìn.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó trưởng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504 Bùi Hồng Lĩnh cho biết: Từ năm 1975 đến năm 2000, Việt Nam đã có trên 42.130 người tử vong, hơn 62.160 người bị thương tật do bom mìn, vật nổ.
Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn đã được rà phá (Ảnh minh họa) |
Trong đó, nạn nhân chủ yếu là những lao động chính trong gia đình và trẻ em. Diện tích ô nhiễm bom mìn là 66.000 km2, chiếm hơn 20% diện tích cả nước, chưa kể vùng biển.
Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn đã được rà phá. Mỗi năm, có khoảng 20.000 hecta đất được rà phá chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh nói:“Việc rà phá bom mìn là công việc hết sức vất vả, nguy hiểm và nguồn lực cần cho công việc này cần rất lớn. Trước mắt, Chính phủ và Ban chỉ đạo 504 có chủ trương cố gắng tập trung giải quyết ô nhiễm bom mìn ở những diện tích phát triển kinh tế, ổn định dân cư. Ban Chỉ đạo rất mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành, các cấp cùng chung sức tuyên truyền, vận động, kêu gọi mỗi người đều chung tay hỗ trợ vấn đề này”.
Các tham luận tại tọa đàm cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đánh giá tác động, lập bản đồ, khoanh vùng khu vực ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc; xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thiết lập cơ sở quản lý dữ liệu liên quan, có tổng hợp thống kê hàng năm; tập trung giải quyết, khắc phục cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại những vùng ô nhiễm nặng nề, kể cả trên biển.
Theo Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo Chương trình 504 thì cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2015. Trong đó, cần thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
“Chương trình 504 đặt ra vấn đề cần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn quy mô, tầm vóc, ý nghĩa của Chương trình 504 đối với Việt Nam như thế nào và Việt Nam cần gì ở cộng đồng quốc tế. Đây là vấn đề chính trị mà chúng ta cần tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ cho Việt Nam, xung quanh vấn đề giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, trong đó có bom mìn. Trên cơ sở làm cho thế giới hiểu rõ, đồng thuận với Việt Nam về vấn đề này thì chúng ta có nhiều thuận lợi hơn để huy động các nguồn tài trợ”, Thiếu tướng Nguyễn Phúc Nguyên cho biết./.