Thời gian qua, ngành y tế để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc cả về chuyên môn và y đức khiến xã hội bức xúc, một số thầy thuốc đánh mất lòng tin nơi người dân và bị dư luận lên án kịch liệt. Do đó, Bộ Y tế  đã chỉ đạo tăng cường giáo dục về y đức trong các cơ sở y tế và đang xây dựng Thông tư quy định quy tắc ứng xử của công chức, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Giáo sư, Tiến sỹ (GS.TS) Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y dược học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế về việc đổi mới trong giáo dục y đức hiện nay.

gs-pham-manh-hung.jpg
GS.TS Phạm Mạnh Hùng

PV
:
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình trạng y đức hiện nay?

GS. TS Phạm Mạnh Hùng:
 Hiện nay, kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa nhưng y đức của chúng ta có xu hướng giảm sút và có những vụ việc nảy sinh khiến dư luận xã hội không tán thành. Ví dụ vụ vi phạm tại Thẩm mỹ viện Cát Tường trong thời gian qua. Đứng trước việc này, chúng ta phải thừa nhận rằng, có một bộ phận không nhỏ thầy thuốc chưa hiểu hết mục đích hành nghề của mình, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tính mạng người bệnh và lợi ích của bản thân mình. Chính vì đặt lợi ích của bản thân mình lên cao và coi thường tính mạng của người bệnh cho nên mới phạm vào những sai lầm như thế. Đó là tình hình mà chúng ta phải quan tâm hiện nay.

PV:Là người được nhiều trường Đại họcYmời dạy về y đức và được Bộ Y tế mời tập huấn cho các báo cáo viên toàn nghành về y đức, theo ông,giáo dục về y đức hiện nay có điều gì cần đổi mới?

GS.TS Phạm Mạnh Hùng:
 Đổi mới giáo dục về y đức quan trọng nhất là phân tích mối quan hệ của người thầy thuốc với các đối tác trong xã hội. Trong cơ chế thị trường hiện nay, bên cạnh động cơ vì người bệnh, vì khoa học thì người thầy thuốc còn phải kiếm sống.

Ngày xưa người thầy thuốc không phải nghĩ đến chuyện kiếm sống vì cả xã hội lo cho họ. Lúc bấy giờ nhu cầu cuộc sống cũng không đòi hỏi như bây giờ và sự chăm sóc của xã hội lúc bấy giờ đủ để người thầy thuốc tự trang trải. Nhưng bây giờ thì không đủ vì vậy người thầy thuốc còn phải lo chuyện kiếm sống. Vì thế, bên cạnh 2 động cơ về mặt cứu chữa người bệnh và về khoa học thì nó xuất hiện động cơ thứ 3 là người thầy thuốc cần phải kiếm sống. Nhưng trong hoàn cảnh kiếm sống đó chúng ta phải đặt ra mối quan hệ giữa kiếm sống của người thầy thuốc với tính mạng của người bệnh thì phải đặt thứ tự ưu tiên như thế nào. Phải xác định rõ mối quan hệ này.

Tôi cho rằng, không thể không nói đến lợi ích nhưng mà lợi ích trong mối quan hệ như thế nào, đó là điều quan trọng. Bên cạnh việc xác định mối quan hệ giữa lợi ích của người thầy thuốc với tính mạng của người bệnh thì cần xác định quan hệ của người thầy thuốc với lợi ích của tập thể, đồng nghiệp, Tổ quốc và nhân dân nhưng mà điểm khởi đầu và quan trọng nhất chính là lợi ích của người thầy thuốc với tính mạng của người bệnh. Giải quyết mối quan hệ này chúng ta phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên hết, trên cả quyền lợi của người thầy thuốc. Đây là mục đích hành nghề trong ngành y tế nhưng đồng thời cũng là điều kiện để hành nghề. Cho nên mối quan hệ ở đây, tôi cho rằng phải phân tích đầy đủ và biện chứng. Như vậy, người thầy thuốc mới thuyết phục, hiểu, thông và làm theo. Chứ nếu chúng ta chỉ nói y đức là hy sinh, cười nói, đối xử với bệnh nhân mà không đặt mối quan hệ giữa đạo đức y tế, đặt tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của người thầy thuốc thì chúng ta khó thuyết phục được người thầy thuốc.

Tổ chức việc giáo dục y đức cần được thực hiện tốt hơn, thường xuyên hơn và phải trở thành sinh hoạt thường xuyên. Ví dụ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường vừa qua, đây là một điều đau xót, đáng lên án. Chúng ta nên tổ chức cho các đơn vị y tế thảo luận những điều gì rút ra từ vụ Cát Tường và nếu chúng ta để cho các thầy thuốc thảo luận thì chính họ tự giác ngộ được vấn đề sâu sắc. Thứ 3 là cũng phải đề xuất môi trường giáo dục.

Hiện nay, tại các trường y, giáo dục về y đức nhưng sinh viên đến năm thứ 3 học tại bệnh viện thì lại trông thấy những hình ảnh xấu trong bệnh viện thì các em sẽ có suy nghĩ rằng giáo dục y đức là nói suông và các em bị cuốn hút theo những điều xấu đó. Thế thì những bệnh viện, trường học, những bệnh viện  thực hành phải được thiết lập và trong những bệnh viện cơ sở thực hành đó phải có tiêu chuẩn về vấn đề đạo đức.

PV:
Theo ông, ngoài việc tập trung khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện thì ngành y tế cần khắc phục ngay những hạn chế nào để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao y đức? 

GS. TS Phạm Mạnh Hùng:
 Hạn chế lớn nhất của ngành y tế cần phải tập trung khắc phục ngay là đi vào sự vụ quá nhiều. Theo tôi, đã đến lúc ngành y tế nên trấn tĩnh ngồi nghĩ đến phương hướng tổng thể hơn. Chẳng hạn khía cạnh thị trường nào ngành y tế cần phát huy, khía cạnh thị trường nào cần hạn chế. Nguyên tắc nào cần đảm bảo, nhưng những gì mà viện cớ vào bao cấp để  trì trệ thì cần tránh. Hiện nay, có sự lẫn lộn mà chúng ta không nhận diện ra. Chẳng hạn, cứ ỉ lại vào bao cấp, chỗ nào cũng kêu thiếu tiền nhưng không năng động. Rồi cách tổ chức cán bộ hiện nay vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ bao cấp. Việc bổ nhiệm cán bộ lẽ ra phải chủ trương đào tạo những cán bộ quản lý mà cán bộ quản lý của ngành y tế không nhất thiết phải là bác sỹ.

Ở các nước, bệnh viện có 2 giám đốc. Một giám đốc chuyên môn. Một giám đốc về hành chính, quản lý. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế của một số nước không phải là bác sỹ mà là chính khách. Nước ta vẫn theo kiểu bao cấp, lấy anh bác sỹ giỏi ra làm quản lý mà không đào tạo một cách bài bản. Nếu không nhận diện giữa bao cấp và kinh tế thị trường để điều chỉnh thì sẽ khó khắc phục.

PV:

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!./.