Vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ ở trường mầm non tư thục Phương Anh không phải là vụ việc đầu tiên, mà trước đó đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự khiến dư luận bức xúc.

tre-1.jpg
Bảo mẫu mầm non tu thục Phương Anh gây bức xúc bởi những hành vi hành hạ trẻ  (Ảnh Tuổi trẻ)

Giám sát lỏng lẻo 

Ngày 18/12, phóng viên Báo VOV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT về vụ việc này. Ông Nguyễn Bá Minh cho biết, ông thực sự sốc và phẫn nộ trước vụ việc cô bảo mẫu trường mầm non tư thục Phương Anh hành hạ học trò. Thực tế là, tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ thường xảy ra trong những cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa được cấp phép, không đảm bảo các điều kiện về an toàn cho trẻ, điều kiện về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Nếu có đình chỉ, xử lý một nhóm lớp nào đó mà không đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ thì những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ vẫn tiếp tục nảy sinh. Báo cáo của các địa phương cho biết, hiện nay, có 29% nhóm lớp chưa được cấp giấy phép. “Qua nghiên cứu tình hình thực tiễn, chúng tôi thấy có một nguyên nhân lớn là do công tác giám sát, kiểm tra và xử lý của chúng ta. Trong phân cấp quản lý, việc kiểm tra giám sát và xử lý này thuộc về UBND phường, xã nơi có quyền cấp phép hoạt động và cũng có trách nhiệm giám sát, xử lý”, ông Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa -Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:"Về biện pháp khắc phục lâu dài, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, chế xuất nhất định phải có trường lớp cho trẻ mầm non. Bên cạnh đó, trong trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến từ địa phương, nhà quản lý, nhà giáo để xem xét điều chỉnh tăng hơn nữa trình độ của chủ nhóm lớp".

Ông Lê Mạnh Hà-Phó chủ tịch UBND TP.HCM:

"Đây là bài học đắt giá của việc đã nhận biết vi phạm mà không kiên quyết xử lý. Qua vụ việc này, chúng ta không dừng lại ở chỗ lo xử lý từng vụ việc mà phải làm sao để không xảy ra các vụ tương tự nữa. Tuy nhiên, nếu đề ra giải pháp mà người dân không có chỗ gửi trẻ thì cũng không ổn".

Bà Đinh Thanh Hằng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai:

"Để người dân tránh tìm đến những cơ sở trông giữ trẻ không đảm bảo, các phường đều công khai tên những cơ sở hoạt động có phép, cũng như kết quả xử lý nhóm lớp, trường không có phép, kém chất lượng. Điều này giúp các bậc phụ huynh có đầy đủ thông tin hơn khi tìm lớp gửi con".

PV ghi

Tại Hội thảo bàn về quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập mới đây, lãnh đạo Phòng Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã nêu thực trạng cán bộ tổ giáo vụ mầm non của các phòng giáo dục còn mỏng dẫn đến công tác kiểm tra, phối hợp với các ban, ngành địa phương trong việc quản lý trường, lớp tư thục còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý các trường, lớp tư thục ở một số xã, phường chưa thường xuyên và triệt để, chưa kiên quyết đình chỉ các cơ sở mầm non tư thục không đủ điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Nói về quản lý lỏng lẻo các cơ sở giáo dục mầm non dẫn đến những điểm hoạt động chui, kém chất lượng, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ: “Để xảy ra sự việc có trách nhiệm của địa phương khi chưa kiểm soát được tình trạng này”.

Thiếu trường lớp, phụ huynh không có sự lựa chọn Trường công lập thiếu nên phụ huynh có con dưới 3 tuổi hầu như không có lựa chọn nào khác là phải gửi con vào cơ sở ngoài công lập. Tuy nhiên, học phí trường ngoài công lập rất cao và người dân có thu nhập ở mức trung bình trở xuống, đặc biệt là công nhân ở các khu chế xuất buộc phải gửi con vào những nhóm lớp tư nhân giá rẻ, dù biết rằng những nhóm lớp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. TP.HCM hiện có 15 KCX - KCN với tổng số công nhân khoảng 270.000 người nhưng đến nay, toàn thành phố mới chỉ có một điểm trường dành cho con công nhân và nó cũng chỉ đáp ứng chưa tới 23% nhu cầu cần gửi trẻ của người lao động trong các KCN này. Ông Nguyễn Bá Minh lý giải, sở dĩ có tình trạng nhà trẻ thiếu chỗ học là do nhu cầu trẻ đến lớp ngày càng tăng ở tất cả các lứa tuổi. Rõ ràng cơ sở giáo dục mầm non ở các đô thị chưa đáp ứng nổi nhu cầu. Nguyên nhân nữa là do ta chưa gắn quy hoạch khu công nghiệp với quy hoạch khu dân cư, trong đó đặt yêu cầu phải có trường mầm non. “Cái lỗi này là lỗi hệ thống mà về lâu về dài Nhà nước phải có giải pháp để giải quyết dứt điểm, như phải có được các trường mầm non và khu dân cư cho con em những người làm trong các khu công nghiệp. Giải pháp trước mắt là ngành GD-ĐT phải phối hợp tốt với các cấp chính quyền và các cấp phường, xã để kiểm tra, kiểm soát. Đình chỉ, xử lý không cho các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dồn sức ép vào các cơ sở có chất lượng” - ông Minh phân tích.

Để đáp ứng trường lớp đủ chất lượng, đảm bảo an toàn cho trẻ, ông Nguyễn Bá Minh khẳng định: Về giải pháp lâu dài, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại cơ chế chính sách của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, việc thực hiện ở địa phương có thực sự tạo điều kiện cho mầm non ngoài công lập phát triển hay không. Tháng 3/2014, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo toàn quốc về giáo dục mầm non ngoài công lập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nâng cao trình độ giáo viên để loại hình này đi đúng quỹ đạo, đúng quy định./.

Tăng cường quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Chiều tối 18/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký công văn gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương; chỉ đạo quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư. Phòng GD-ĐT các quận, huyện chủ động phối hợp với UBND xã, phường tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn về điều kiện thành lập trường: quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của ngành... Đối với cơ sở đang hoạt động mà chưa được cấp phép cần hướng dẫn, hỗ trợ để chủ trường, chủ nhóm lớp hoàn thiện các điều kiện để được cấp phép theo quy định; kiên quyết đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động… Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ; có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế, quy định./.