Trong những năm gần đây, tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có việc lợi dụng mạng internet nhằm tiêu thụ động vật hoang dã.

Theo báo cáo tại Hội nghị liên ngành về tăng cường công tác phòng chống buôn bán động vật hoang dã trên internet vào sáng 17/4, giữa Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia xu hướng này rất mạnh mẽ.

voi-bi-giet.jpg
Voi rừng bị giết hại ở Việt Nam (Ảnh: Hà Nội mới)

Theo đánh giá. từ năm 2011 – 2016 số người sử dụng internet tăng từ 30,5 triệu người lên 58 triệu người. Trong năm 2012 có 30 triệu người Việt Nam sử dụng internet truy cập vào các trang web mua bán.

Khảo sát của WCS trong hai tháng từ tháng 7 – 8 năm 2012, việc buôn bán động vật hoang dã trên mạng internet là phương thức phổ biến để buôn bán các loài bản địa như culi, khỉ, rùa, rắn, cao từ xương, ví từ da và các loại có nguồn gốc nước ngoài như cự đà, rắn và sóc để làm thú nuôi, làm thuốc, thực phẩm và chăn nuôi. Trong số 108 loài động vật hoang dã xuất hiện trong buôn bán trực tuyến, 24% là loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ, 24% được công ước quôc tế CITES bảo vệ, 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như hổ, voi, rùa núi vàng, rùa đầu to, rùa đất Spengle, khướu bạc má, cá sấu... Hành vi buôn bán động vật hoang dã phổ biến ở các trang web về rao vặt và các diễn đàn về nuôi thú cưng. Phạm vi buôn bán khắp các tỉnh trên cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Ông Scott Roberton, Giám đốc WCS Việt Nam cho biết: “Việc lợi dụng internet nhằm buôn bán động vật hoang dã đã diễn ra trong thời gian dài mà chưa được ưu tiên quan tâm, trong khi trên thế giới đây là một mặt trận bị giám sát chặt chẽ và Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm”.

Do vậy, WCS kiến nghị Việt Nam cần tăng cường quản lý việc đăng ký và nội dung các trang mạng về buôn bán, diễn đàn; xây dựng cơ chế báo cáo vi phạm và xử phạt vi phạm; ban quản trị trang mạng xem xét việc đưa quy định, luật về bảo tồn động vật hoang dã vào website và thường xuyên theo dõi các chủ đề về buôn bán động vật hoang dã; tăng cường hợp tác giữa ban quản trị website và các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận về các điều luật và công tác thực thi luật hiện hành đối với việc ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã trên mạng internet, đề xuất các biện pháp phối hợp quản lý chặt chẽ hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Quang Tùng – Giám đốc cơ quan quản lý CITES Việt Nam nhận định: “Hội thảo lần này là một cơ hội tốt để các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam, các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà quản trị mạng chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp các hoạt động nhằm đấu tranh chống nạn buôn bán trái pháp luật về động vật hoàn dã trên internet”./.