Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn- BOMICEN (Binh chủng Công binh) cùng Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) được giao thực hiện đề án này từ năm 2008, phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành.
Số liệu về ô nhiễm bom, mìn, vật nổ tại khu vực huyện An Dương, Hải Phòng (Ảnh chụp tại BOMICEN) |
Đề án chia thành hai dự án thành phần: Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên đất liền và điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ vùng ven biển, thềm lục địa và hải đảo. Cả hai dự án tiến hành đồng thời.
Mục tiêu của đề án là điều tra, phỏng vấn các nhân chứng, kiểm tra thực địa và xác định tọa độ theo hệ định vị vệ tinh GPS, lập bản đồ các khu vực hiện còn bị ô nhiễm bom, mìn và các khu vực đã được rà phá hết bom, mìn.
Địa bàn thực hiện là 10.511 xã trên đất liền và toàn bộ vùng ven biển, thềm lục địa và hải đảo Tổ quốc. Cùng với điều tra, 1% diện tích được coi là bị ô nhiễm cao được khảo sát kỹ thuật nhằm xác định rõ tính chất, mức độ và thực trạng ô nhiễm bom mìn, từ đó nâng cao độ chính xác của bản đồ để có giải pháp xử lý phù hợp.
Theo các tài liệu nghiên cứu, tỷ lệ bom, đạn chưa nổ ở nước ta chiếm khoảng 5% số lượng bom, đạn Mỹ đã sử dụng đánh phá (có tài liệu nước ngoài đánh giá còn khoảng 10%). Số lượng bom, mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn. Toàn quốc có 9.284/10.511 xã đang bị ô nhiễm bom, mìn. Tổng diện tích ô nhiễm là 6,6 triệu ha, chiếm 21,12% diện tích cả nước.
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn cho biết, cho đến hết năm 2012, Chương trình 504 đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn tại 49/63 tỉnh, thành. Năm 2013, công tác điều tra, lập bản đồ được tiến hành ở 14 tỉnh phía bắc (Quân khu 1 và Quân khu 2) với 2.424 xã. Dự kiến, Quý I/2014 sẽ công bố dự án.
Công binh rà phá bom, mìn, vật nổ tại Lạng Sơn |
Sau nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bom mìn do quân đội nước ngoài mang đến tàn phá, còn sót lại trên đất nước ta là rất lớn và rải rác khắp lãnh thổ. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm hàng triệu héc-ta (ha) đất đai và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi chất nổ, chất cháy, chất độc hại có trong bom mìn, làm chết nhiều người bị chết và bị thương (trong đó đa phần là trẻ em và người lao động chính trong gia đình).
Hằng năm, Chính phủ Việt Nam chi khoảng 1.600 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh. Tuy nhiên, với tiến độ rà phá bom mìn như hiện nay thì phải mất 300 năm nữa mới giải quyết được hết bom mìn để lại sau chiến tranh. Nếu đẩy mạnh tiến độ và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì thời gian đó dự kiến được rút lại còn khoảng 100 năm và nhanh là 70 năm nữa./.