Những ngày qua, nhiều người dân phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bỏ ra đường chặn đoàn xe chở phế liệu thép vào Nhà máy thép Việt- Pháp, nhiều người lập lán trại túc trực trước cổng nhà máy phản đối việc nhà máy gây ô nhiễm. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì “tiến thoái lưỡng nan” vì thời hạn di dời nhà máy mà chính quyền địa phương, lãnh đạo Nhà máy cam kết với người dân đã đến nhưng vẫn chưa tìm được địa điểm thích hợp để di dời.

qn1_vov_lsme.jpg
Đoàn xe bị chặn trước cổng nhà máy thép.

Theo phản ánh của người dân địa phương, Nhà máy thép Việt - Pháp đóng trên địa bàn phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam gây ô nhiễm từ nhiều năm qua. Chính quyền tỉnh, thị xã và phường đã nhiều lần đối thoại với dân, đưa ra thời hạn di dời nhà máy vào đầu tháng 7 năm nay.

Người dân “bấm bụng” chịu đựng chờ đến ngày này. Thế nhưng đã quá thời hạn cam kết hơn 1 tuần mà nhà máy vẫn chưa “nhúc nhích”. Bà Nguyễn Thị Hà sống gần đó cho biết, người dân quá bức xúc, không thể vào nhà máy được nên phải lập lán trại canh đoàn xe chở phế liệu vào nhà máy là chặn lại.

Hiện có khoảng gần 10 chiếc xe tải vận chuyển sắt thép, phế liệu vào xưởng chế biến của Nhà máy thép Việt - Pháp đã bị chặn đứng trước sự ngăn cản quyết liệt của người dân. Tài xế rời khỏi cabin và lánh mặt đi nơi khác.

“Chừ đề nghị công ty thép Việt - Pháp ngừng hoạt động, làm hết nguyên liệu còn lại trong đó xong dàn xếp nghỉ. Nhưng cuối cùng lại không chịu nghỉ. Bữa ni vẫn chở sắt vô tiếp. Huyện, tỉnh họp với dân, nói là tháng 7/2017 sẽ dừng nhưng cuối cùng không đi. Bữa ni dân tui bức xúc quá”, bà Nguyễn Thị Hà bức xúc nói.

Nhà máy thép ngưng hoạt động do bị dân bao vây.

Những người sống cạnh Nhà máy thép Việt - Pháp cho biết, doanh nghiệp này thường xuyên hoạt động vào đêm khuya, từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Thời điểm này ít người dùng điện nên công suất tăng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà người dân lao động sau 1 ngày làm việc mệt nhọc cần được nghỉ ngơi, vậy mà họ thường xuyên bị “tra tấn” bởi ô nhiễm không khí, tiếng ồn do hoạt động tinh luyện sắt thép của Nhà máy này.

“Có 3 cái ô nhiễm. Thứ nhất là nguồn nước, thứ 2 là khói, thứ 3 là tiếng động làm cho dân chúng tôi ở đây chịu không nổi. Mong các cấp chính quyền làm rõ vấn đề này để dân chúng tôi ăn no, ngủ yên, chứ không thể để như vậy được. Những người già như chúng tôi phải thức cả đêm”, ông Võ Như Quảng, người dân địa phương cho biết.

Nguyên liệu được tập kết bên trong nhà máy.

Nhà máy thép Việt - Pháp đầu tư vào cụm công nghiệp Thương Tín, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã hơn 5 năm, diện tích thuê đất gần 2 héc ta, thời hạn thuê là 15 năm. Sau nhiều lần bị người dân địa phương phản đối vì ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con, chính quyền đã đưa ra phương án di dời nhà máy.

Địa điểm được chọn gần đây nhất là tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, địa điểm này vẫn chưa nhận được thống nhất vì nhiều lý do khác nhau.

Bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH thép Việt - Pháp cho biết, sau khi có chủ trương của tỉnh về việc di dời nhà máy, công ty cũng đã làm các thủ tục cần thiết nhưng hiện vẫn chưa có địa điểm nào cụ thể.

“Về phía doanh nghiệp thì những gì thuận tiện cho tỉnh, huyện thì doanh nghiệp đồng ý. Doanh nghiệp không chống cự gì hết, chỉ mong được sản xuất không bị phiền toái. Đề nghị là vậy thôi nhưng cũng chưa có cái gì gọi là hợp với doanh nghiệp. Người dân phản ứng như vậy khiến nhà máy thời gian này cũng không hoạt động được”, bà Hạnh cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp Thương Tín, thị xã Điện Bàn, do tỉnh Quảng Nam chưa bố trí được địa điểm thích hợp để di dời nhà máy nên trước mắt, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn đứng ra vận động người dân không có những hành động gây thiệt hại cho nhà máy, làm mất an ninh trật tự.

“Vừa rồi UBND tỉnh có Thông báo kết luận đưa ra hướng đi, thứ nhất là trồng cây xanh cách ly nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường. Việc di dời mà chưa có được sự thống nhất của tỉnh về điểm đến cho nhà máy thì dự định di dời dân đến 1 nơi tốt hơn, đẹp hơn và an toàn hơn”, ông Nguyễn Đức Tài cho hay./.