Thị xã Điện Bàn là địa phương có nhiều bến bãi tập kết cát, sỏi nhất của tỉnh Quảng Nam, với 21 điểm đang hoạt động. Trong đó, chỉ có 1 bến bãi có giấy phép kinh doanh, nguồn gốc đất hoạt động bến bãi, nguồn gốc cát kinh doanh, giấy phép sử dụng vùng nước (bến thủy nội địa) và cam kết bảo vệ môi trường. Số còn lại chưa hoàn chỉnh thủ tục nhưng vẫn hoạt động công khai.

cat_ttnh.jpg
HĐND tỉnh Quảng Nam kiểm tra các bãi tập kết cát trên địa bàn

Ông Mai Thanh Trì, chủ bãi tập kết cát ở thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn cho biết, bến bãi này là nơi tập kết cát của 2 Công ty Đại Việt và An Thịnh, mỗi ngày nhập về hơn 200 m3 cát.

Ông Trì phân bua, điểm tập kết của ông là một trong số ít bến bãi đã được chính quyền địa phương cấp giấy phép hoạt động, nhưng do bận việc nên chưa hoàn chỉnh thủ tục.

Đa số các bến bãi tập kết cát sỏi ở tỉnh Quảng Nam đều thiếu thủ tục về đất đai và giấy phép sử dụng bến thủy nội địa, nhưng chính quyền các địa phương vẫn “làm ngơ” để doanh nghiệp tồn tại.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu có sự thỏa thuận ngầm giữa chủ doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương?

Ông Phạm Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, do một số bến bãi hoạt động hàng chục năm trên đất của gia đình, chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nhiều bến bãi khác lại được Ủy ban nhân dân xã, phường cho thuê đất trái quy định.

Các bến bãi tập kết cát chưa hoàn chỉnh thủ tục vẫn ngang nhiên hoạt động

“UBND tỉnh đã chỉ đạo triệt để cho thu hồi, thanh lý các hợp đồng thuê đất đó. Đến cuối tháng 6 là chấm dứt hoạt động các bến bãi trái pháp luật. Thị xã Điện Bàn sẽ quy hoạch lại các bến bãi theo lộ trình kiểm tra. Những bến bãi nào không đủ điều kiện thì kiên quyết chỉ đạo các xã thu hồi”, ông Ngọc Anh trình bày.

Các bến, bãi tập kết cát, sạn ở tỉnh Quảng Nam hoạt động bát nháo một phần do việc quản lý khai thác cát lỏng lẻo.

Cùng với đó là việc chính quyền tỉnh Quảng Nam cấp phép quá nhiều các điểm mỏ khai thác.

Trên địa bàn hiện có 30 giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp và đang còn hiệu lực, tổng diện tích khai thác hơn 130 ha, trữ lượng 5,3 triệu m3. Đó là chưa kể các điểm khai thác trái phép, tận thu trá hình, khai thác ngoài phạm vi cấp phép.

Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cát, sỏi cho xây dựng, san nền đối với một số công trình lớn trên địa bàn, Quảng Nam cũng là địa phương cung cấp lượng lớn cát sỏi cho TP.Đà Nẵng.

Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép hoạt động, thi nhau đục khoét lòng sông tận thu cát.

Khai thác cát dưới chân cầu

Ông Phạm Thúy, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc cấp phép hoạt động các bến, bãi thì do Sở Giao thông Vận tải của tỉnh cấp. Do đó, nhiều lúc các doanh nghiệp không báo cáo thì chúng tôi cũng chưa nắm bắt đầy đủ”.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương đình chỉ ngay các bến, bãi có tập kết, mua bán cát, sỏi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; Nghiêm cấm và chấm dứt ngay các khoản thu bến bãi ngoài quy định ở các địa phương.

Đối với các bến, bãi không đảm bảo môi trường, gây hư hỏng đường sá hoặc không đảm bảo an toàn phải đình chỉ và đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam thu hồi giấy phép hoạt động.

Quan điểm của ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, là: Phải ngăn chặn kịp thời, không để cho việc khai thác cát, sỏi trái phép trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn.

Chở cát băm nát đường làng

“Đối với thị xã Điện Bàn có 21 bãi tập kết cát nhưng chỉ có 1 bãi được cấp phép. Cái này có sự đổ qua, đổ lại giữa Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý đô thị. Chúng tôi giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường và các địa phương tiến hành rà soát, lập quy hoạch các bến bãi theo hướng phải quy hoạch lại”, ông Toàn cho biết thêm.

Được biết, từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng xử lý 406 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm khoáng sản cát, sỏi lòng sông với số tiền xử phạt hơn 3,1 tỷ đồng. Những biện pháp cấp bách được tỉnh Quảng Nam đưa ra nhằm "cứu nguy" cho 2 con sông lớn là Vu Gia và Thu Bồn trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng./.