Ngày 27/3/2017, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã lập biên bản ngừng thi công đối với hạng mục Bờ kè lấn biển và san lấp của Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng để Chủ đầu tư là Công ty TNHH The Sunrise Bay giải trình nguồn gốc vật liệu xây dựng dùng cho san lấp mặt bằng và thi công bờ kè.
Bên ngoài dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (The Sunrise Bay) (Ảnh: Soha) |
Vậy có hay không việc khai thác cát tại huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đưa về san lấp cho một dự án ở thành phố Đà Nẵng?
Hạng mục Bờ kè lấn biển và san lấp của Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước do Công ty TNHH The Sunrise Bay làm chủ đầu tư bị ngừng thi công gần 1 tháng qua. Công trình này chưa có đánh giá tác động môi trường và dư luận đặt nhiều nghi vấn tiêu thụ cát trái phép tại Dự án nạo vét biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 21/4 vừa qua, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng có văn bản thống nhất để công trình thi công trở lại vì chủ đầu tư đã chứng minh được nguồn gốc cát. Theo giải trình của đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Trung Nam, thì Công ty đã ký hợp đồng mua bán cát san nền với Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam; đồng thời đưa ra Quyết định 1193 ngày 6/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về “gia hạn giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực xã A Tiêng, huyện Tây Giang” cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên VOV sáng 29/4, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là Quyết định không có thực và đang đề nghị công an vào cuộc điều tra làm rõ.
Ông Nguyễn Hồng Quang cũng khẳng định: “Tỉnh Quảng Nam không có liên quan đến Công ty Trung Nam. Liên quan đến Quyết định 1193, văn phòng tỉnh đã kiểm tra hồ sơ gốc, Quyết định nói là cấp phép mỏ ở Tây Giang là không đúng. Tất cả những gì liên quan đến việc cấp phép mỏ đều có ý kiến của địa phương. Ủy ban sẽ chỉ đạo Công an kiểm tra làm rõ giấy phép đó”.
Thông tin về nguồn cát sử dụng tại Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước được lấy từ huyện miền núi Tây Giang cũng đã gây bất bình đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân sở tại. Tây Giang là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, hơn 90% diện tích đất tự nhiên là núi đồi, sông suối nhỏ hẹp, độ dốc lớn nên không có mỏ cát nào được bồi lắng. Dọc sông A Vương qua địa bàn huyện hơn 70 cây số, men theo đường Hồ Chí Minh cũng không hề có bãi cát nào. Địa phương có 15 dự án xây dựng đang thi công, nhu cầu sử dụng cát lên gần 1.000 mét khối nhưng phải mua từ các nơi ở đồng bằng. Chính quyền huyện Tây Giang cũng đã có văn bản gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng đề nghị làm rõ vụ việc.
Ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương chưa từng bán cát cho bất cứ Công ty nào.
Ông Bh’riu Liếc cho rằng việc Công ty Trung Nam bịa đặt và vu khống Tây Giang cung cấp cát là xúc phạm nhân dân Tây Giang, đồng thời đề nghị các cơ quan cơ chức năng điều tra, xác minh./.