Duy trì và phát huy nghề truyền thống, được sự giúp đỡ của Trung tâm hỗ trợ dạy nghề nhân đạo và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm truyền thống (Craft Link) tại Hà Nội, chị em dân tộc Mông Lềnh ở xã Chế Cu Nha, huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã thành lập tổ thêu dệt thổ cẩm ngay tại quê mình.

Chị Giàng Thị Mảy tham gia tổ thêu dệt thổ cẩm truyền thống ở Chế Cu Nha từ khi thành lập đến nay. Chị Mảy cho biết: Từ những sản phẩm thêu của mình, chị và nhiều chị em trong xã đã có thu nhập ổn định, từ 500.000 đến 3,5 triệu đồng trở lên, đặc biệt  có chị còn có thu nhập 5 triệu đồng.

thoat_ngheo_ujjx.jpg
Các chị trong tổ thêu may sản phẩm

Chị kể:“Lúc còn nhỏ, được bà và mẹ dạy thêu thùa. Từ khi thành lập tổ thêu thổ cẩm truyền thống của người phụ nữ Mông tại xã Chế Cu Nha, tôi có thêm thu nhập cho gia đình. Qua đó, tôi cũng cũng dạy cho các con, các cháu duy trì nghề truyền thống của người Mông mình”.

Tổ thêu thổ cẩm truyền thống ở xã Chế Cu Nha thành lập từ năm 2009, đến nay đã có gần 40 hội viên. Để các sản phẩm của tổ thêu đến được với khách hàng, ngoài sự giúp đỡ của trung tâm Hỗ trợ dạy nghề nhân đạo Hà Nội trong bao tiêu, giới thiệu sản phẩm; tổ thêu còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện mở các lớp về thêu thổ cẩm, dệt khăn len cho chị em; tham gia một số hội chợ tại Hà Nội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Cùng với kinh nghiệm sẵn có về nghề thêu dệt, các hội viên luôn tìm hiểu, cải tiến hoa văn mẫu mã, nhờ thế mà trình độ thêu dệt của chị em ngày một nâng cao. Các sản phẩm thêu của chị em là sự kết hợp hài hoà giữa các đường nét, các màu sắc sáng, tối trên nền chủ đạo là màu chàm, tạo nên một bản sắc rất riêng của người Mông Lềnh.

Chị Chị Hờ Thị Dê, chủ nhiệm tổ thêu cho biết: ‘Từ năm 2009, khi thành lập một tổ thêu thổ cẩm truyền thống phụ nữ Mông với 28 thành viên, đến nay đã có 37 hội viên. Từ ngày có tổ thêu dệt thổ cầm truyền thống này, nhiều chị em trong xã đã có thêm thu nhập cho gia đình. Các sản phẩm từ tổ thêu truyền thống đã được nhiều người biết đến. Mong muốn của chúng tôi là có một gian nhà lớn để cho chị em đến thêu”.

Các sản phẩm được bày bán 

Hiện nay, ngoài những váy áo truyền thống của dân tộc, các hội viên trong tổ thêu Chế Cu Nha đã sản xuất được 20 loại mặt hàng như vỏ gối, vỏ chăn, túi, khăn trải bàn, một số sản phẩm lưu niệm thổ cẩm…Các sản phẩm đạt chất lượng dần được thị trường, khách du lịch rất ưa chuộng và hoạt động của tổ đã có lợi nhuận để duy trì nghề truyền thống.

Đầu năm nay, tổ thêu đã cử một số hội viên tham gia thi sản phẩm sáng tạo dự án giảm nghèo (WB) tại tỉnh Yên Bái. Sản phẩm của tổ đã đoạt giải nhất hội thi, kèm theo giải thưởng gần 100 triệu đồng quy ra hiện vật là máy khâu phục vụ cho tổ thêu. 

Đánh giá về đóng góp của tổ thêu truyền thống xã Chế Cu Nha trong công tác xóa đói giảm nghèo và duy trì nghề truyền thống, bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Mù Cang Chải cho biết: “Tổ thêu dệt truyền thống góp phần không nhỏ tăng thu nhập, giúp chị em ổn định đời sống. Quan trọng nhất là duy trì, bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc Mông thông qua nghề thêu truyền thống này.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tìm kiếm thị trường, liên kết với nhiều đối tác để tiêu thụ sản phẩm và cải tiến chất lượng sản phẩm. Tiếp tục tín chấp các nguồn vốn để giúp chị em mở rộng sản xuất kinh doanh. Trú trọng xây dựng khai thác phát triển thương hiệu thêu thổ cẩm để nghề truyền thống giữ được giá trị bản sắc riêng của vùng đồng bào dân tộc Mông. Bên cạnh đó, kết nạp thêm hội viên để tạo việc làm tăng thu nhập cho chị em”.

Phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm như ở xã Chế Cu Nha, huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái không chỉ lưu giữ được nghề truyền thống dân tộc, mà còn giúp người dân thoát đói vượt nghèo, có thể làm giàu./.