TP HCM hiện đang có khoảng 4.500 người nghiện ma túy tại cộng đồng. Từ nay đến cuối năm, có khoảng hơn 1.000 người nghiện nữa được trở về thành phố. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, thành phố chưa đưa trường hợp nào đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của Nghị định 221. Với một lượng lớn người nghiện trở về địa phương, việc quản lý những đối tượng này khiến cho người dân lo lắng, còn cơ quan chức năng thì băn khoăn, bối rối.

Với đặc thù là một đô thị lớn, tập trung nhiều người nhập cư, việc quản lý người nghiện tại TP HCM càng gặp nhiều khó khăn. Trong số hơn 19.000 người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố thì có đến  60% là người từ các tỉnh, thành khác. Vì thế, việc xử lý hành chính hay việc giáo dục tại phường, xã là không thể thực hiện với các đối tượng này. Theo quy định của Nghị định 111, tổ chức xã hội thực hiện quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong khi chờ lập hồ sơ xử lý. Tuy nhiên, Nghị định lại không quy định rõ tổ chức xã hội cụ thể nào thực hiện việc này.

tu_van_jatt.jpgTư vấn cho gia đình người nghiện về hình thức cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động -Thương binh & Xã hội TP HCM 

Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM cho rằng, nên giao việc quản lý trên cho Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu – nơi trước kia thực hiện việc tạm giữ đối tượng nghiện ma túy theo Nghị định 135.

 “Đề xuất cho Trung tâm  Bình Triệu thực hiện thí điểm quản lý các đối tượng nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng ban hành quyết định xử phạt thì mới giải quyết được vấn đề. Còn nếu giao cho đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh hay Mặt trận Tổ quốc thành phố thì rất khó”- ông Hữu Tàm đưa ra quan điểm.

Liên quan đến vướng mắc khi chưa có biểu mẫu hướng dẫn của Bộ Công an về lập hồ sơ đối tượng nghiện ma túy để xử lý hành chính nên không thể làm hồ sơ gửi tòa án xem xét ra quyết định xử phạt hành chính, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP HCM cho rằng: “Nếu chờ biểu mẫu nữa thì lâu mới ổn định lại được tình hình an ninh trật tự. Công an thành phố có thể vận dụng các biểu mẫu trước đây mình đã làm, so với 4 Nghị định hiện hành xem có gì vướng mắc hay không. Tôi kiến nghị Thường trực UBND TP xem xét có thể quy định tạm thời các biểu mẫu này được không. Đồng thời, kiến nghị lên các Bộ, ngành Trung ương”.

Từ trước đến nay, đã có nhiều giải pháp được cơ quan quản lý nêu ra như: đề nghị Sở Y tế rà soát lên kế hoạch xây dựng các phòng cắt cơn giải độc tại Trạm y tế phường xã, thực hiện đào tạo nhân sự cung cấp 1 bác sĩ ở 1 xã thì mới làm được nhiệm vụ cắt cơn nghiện; công an thành phố nên tự soạn thảo các biểu mẫu quản lý người nghiện trên cơ sở tham khảo ý kiến Sở Tư pháp; có thể xem xét lại Nghị quyết 16 của thành phố trước đây để làm thí điểm.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng, nên có cơ chế đặc thù cho TP HCM trong vấn đề quản lý người nghiện ma túy vì nơi đây tập trung rất nhiều người nghiện từ các tỉnh, thành khác.

 “Tôi kiến nghị phải có bước đột phá, đặc thù cho TP HCM khi quản lý người nghiện ma túy. Còn nếu thực hiện như 63 tỉnh, thành khác là không có hiệu quả”- ông Trung Dũng nhấn mạnh.

Có thể nói, vướng mắc trong vấn đề quản lý người nghiện ma túy hiện nay có thể được giải quyết khi có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, điều quan trọng là  làm thế nào để việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng đạt hiệu quả hơn, bởi lẽ, những giải pháp về quản lý người nghiện cũng chỉ mang tính răn đe chứ không thể giúp người nghiện hoàn toàn cai được ma túy. Theo ý kiến của nhiều người từng nghiện và đang nghiện ma túy, việc cai nghiện tại cộng đồng nếu làm tốt sẽ giúp họ từ bỏ được ma túy hiệu quả hơn khi cai nghiện bắt buộc, tập trung./.