Tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Văn phòng phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) trong buổi họp báo báo cáo tình hình ma túy thế giới năm 2013 tổ chức ngày 26/6 tại Hà Nội, chất dạng thuốc phiện là loại ma túy chủ yếu được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam và heroin vẫn là loại ma túy bất hợp pháp được sử dụng rộng rãi nhất.

Trong năm 2012, có 172.000 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng nam giới sử dụng ma túy chiếm 96%, nữ giới 4%, người duới 16 tuổi chiếm 0,2%, người từ 16-30 là 50% và từ 30 trở lên là 49,8%. Trong đó, người sử dụng heroin vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, sau đó đến ma túy tổng hợp, thuốc phiện, cần sa, ma túy dược phẩm và các loại ma túy khác. Ngoài ra, tình trạng trồng cây thuốc phiện hiện nay đang có chiều hướng gia tăng (tăng 22% so với năm 2011). Theo thống kê của ngành chức năng cho thấy, năm 2012 các cơ quan thi hành pháp luật đã phát hiện 20.917 vụ, bắt giữ hơn 31.000 đối tượng liên quan đến ma túy, tăng 18% so với năm 2011.

cai-nghien.jpg
Hầu hết người sau khi cai nghiện trở về địa phương thường bị xa lánh và không phát huy được nghề đã học, không tìm được việc làm (Ảnh minh họa)

Việt Nam ngày càng trở thành quốc gia được nhắm đến là nơi vận chuyển ma túy và tiền chất bất hợp pháp với số lượng lớn ra thị trường quốc tế. Việc buôn bán trái phép chất ma túy trong nước và ra nước ngoài thông qua các sân bay quốc tế tại Việt Nam hiện đang gia tăng. Một số trường hợp buôn bán trái phép chất ma túy mang tính chất quốc tế thông qua một số hải cảng ở các tỉnh miền Trung Việt Nam cũng đang diễn biến phức tạp.

Đẩy mạnh công tác cai nghiện với nhiều mô hình ở cộng đồng

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ công tác phòng chống ma túy với việc hình thành và đưa vào hoạt động các trung tâm cai nghiện tại địa phương. Song, theo đánh giá của các ngành chức năng hiệu quả cai nghiện ma túy chưa cao. Phần lớn gia đình có người nghiện còn bao che, dung túng, thiếu hợp tác với chính quyền địa phương. Hầu hết người sau khi cai nghiện trở về địa phương thường bị xa lánh và không phát huy được nghề đã học, không tìm được việc làm. Thậm chí, hiện nay nhiều người vẫn còn nhận thức người nghiện ma túy là đối tượng tệ nạn xã hội. Họ bị xa lánh, kỳ thị ngay chính trong cộng đồng của họ.

Việc cai nghiện được thực hiện bắt buộc tại các trung tâm với chế độ sinh hoạt, giáo dục, điều trị ngắt cơn, quản lý nghiêm ngặt còn gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.  

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Zhuldyz Akisheva – Giám đốc Quốc gia UNODC cho biết, hiện nay xu hướng điều trị bằng Methadone đối với người lệ thuộc vào ma túy, heroin ở Việt Nam đang có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, điều trị bằng Methadone không giải quyết được nhiều vấn đề, trong khi các chất hướng thần mới xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, trở thành mối lo ngại lớn về y tế công cộng. Vậy nên, không thể đưa tất cả người nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiện điều trị, mà quan trọng là cần phải đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ. Tăng cường các biện pháp xóa đói giảm nghèo, giảm kỳ thị, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, hỗ trợ chính sách, hỗ trợ điều trị cai nghiện cũng như điều kiện tâm lý, xã hội cho người cai nghiện ma túy.

UNODC và Tổ chức Y tế Thế giới đang thí điểm triển khai thực hiện chương trình điều trị nghiện toàn diện, tự nguyện, dựa trên bằng chứng và hiệu quả ở cấp tỉnh. Thay vì bắt buộc, cần tăng cường các hoạt động mang tính chia sẻ để giúp người nghiện tự nguyện tham gia điều trị. Đó cũng là mục tiêu các tổ chức Liên Hợp Quốc phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam trong Đề án đổi mới công tác cai nghiện giai đoạn 2013-2020./.