Dư luận cả nước rúng động trước vụ giết người và phi tang xác nạn nhân man rợ tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/9. Điều đáng chú ý trong vụ án này đó là thủ phạm thừa nhận trước khi ra tay đã sử dụng ma túy đá.

chat_xac1_hyst_krhr.jpg
Nghi phạm Đặng Văn Tuấn tại cơ quan công an (Ảnh: Thanh niên)
Trước vụ trọng án của Đặng Văn Tuấn, cũng đã xảy ra nhiều vụ án mạng khác liên quan đến ma túy đá. Đầu năm 2014, Trần Tuấn Khương (43 tuổi, trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) trong cơn ngáo đá đã cắt chân chị gái đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội; không lâu sau đó, trong cơn phê ma túy, Vũ Quang Duy (sinh năm 1984 ở Hải Phòng) đã sát hại dã man cha đẻ của mình là một thương binh. Cuối năm 2013, cũng trong cơn ngáo đá, Nguyễn Hữu Chính (SN 1979, ở xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) làm nghề MC, ca sĩ cho các đám cưới, phòng trà đã giết hại người yêu vì tưởng cô là yêu tinh hút máu. Mới đây nhất, 10 người đã tử vong vì ngạt khí trong phòng hát karaoke ở Quảng Ninh cũng có dấu hiệu của sử dụng ma túy tổng hợp.

Các vụ trọng án trên khiến dư luận không khỏi hoang mang về sự nguy hại của ma túy đá cũng như những con nghiện vẫn tung hoành ngoài cộng đồng có thể gây hại cho bất kỳ ai xung quanh.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Trung ương, từ khi xuất hiện ở Việt Nam, loại ma túy tổng hợp này khá được ưa chuộng bởi nó gây ra ảo giác đúng như mong muốn của người sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng nhiều hay quá liều sẽ làm cho hệ thần kinh bị phá hủy, đầu óc không còn tỉnh táo.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Ma túy đá không làm cho con nghiện vật vã như heroin nên nhiều người không nghĩ mình bị nghiện. Tuy nhiên, một khi đã “dính” vào ma túy đá, họ đã vô tình bị lệ thuộc, bởi không có nó, họ thấy cuộc sống vô vị, không có động cơ để làm việc, để học tập. Đây chính là lý do rất nguy hiểm mà người sử dụng không nhận ra dẫn tới rất nhiều người sử dụng, lạm dụng và nghiện lúc nào không biết, kể cả những người có học vấn cao”.

Liên quan đến vụ trọng án vừa xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, nghi can Đặng Văn Tuấn thừa nhận đã giết chị Bùi Thị Hạnh sau khi sử dụng ma túy đá. Theo lời khai của em trai nghi can là Đặng Văn Thành, anh này cũng đã nhiều lần chứng kiến Tuấn và Hạnh sử dụng ma túy đá tại nhà. Nhưng mỗi lần anh Thành có ý kiến liền bị 2 người này đánh, chửi.

Tuấn và Hạnh không phải là những con nghiện đơn lẻ đang tung hoành ngoài cộng đồng, thực tế 7 tháng đầu năm nay, Tòa án Nhân dân tối cao mới chỉ đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc 33 con nghiện - một con số quá nhỏ so với  hơn 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các địa phương chưa đưa được người nghiện nào vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc. Theo ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, một trong những nguyên nhân cơ bản là do văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định xử lý người nghiện ma túy trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chậm ban hành.

“Hiện chúng ta đang áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng dẫn của Nghị định 111 và 211. Do có một chút thay đổi về luật pháp, thay vì đưa người đi cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện thì nay chuyển sang phán quyết của Tòa án cấp huyện. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ từ cấp xã để chuyển lên huyện và tòa án còn có nhiều vướng mắc, đó là việc chưa có hướng dẫn xác định tình trạng nghiện (thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế). Bên cạnh đó, trong hồ sơ của người đi cai nghiện phải có nội dung giáo dục ở xã, phường, thị trấn từ 3-6 tháng, nhưng thực tế dưới địa phương không thực hiện việc giáo dục này. Một điểm vướng nữa đó là người nghiện khi tham gia chương trình điều trị thay thế bằng Methadon trong khoảng thời gian 12 tháng, mà vẫn tiếp tục sử dụng cả heroin và ma túy tổng hợp thì phải qua 2 lần kiểm tra kết quả dương tính mới có thể đưa họ ra khỏi chương trình. Vì những vướng mắc trên nên hồ sơ của người nghiện vẫn nằm ở cấp xã, phường chứ chưa được chuyển lên huyện để Phòng Lao động thương binh xã hội thẩm định hồ sơ chuyển sang tòa án xem xét. Đây cũng là lý do cho tới giờ phút chưa có trường hợp nào nhận phán quyết của tòa để đi cai nghiện bắt buộc”, ông Phong cho biết.

Theo ý kiến của các chuyên gia, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động Thương binh Xã hội cần phải phối hợp để xử lý, giải quyết được tâm tư bức xúc của xã hội, còn nếu chờ ban hành quy định, người nghiện sẽ gây rối trật tự an toàn xã hội.

Lấy dẫn chứng từ việc Công an TPHCM gặp nhiều khó khăn khi xử lý đối tượng nghiện ma túy nhưng không đưa được vào các trung tâm cai nghiện, có nhiều đề xuất Bộ Y tế cần phải xác nhận tình trạng ma túy, hướng dẫn tập huấn và quản lý thuốc. Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Bộ Tư pháp cần sớm có biểu mẫu hồ sơ liên quan đến thủ tục xác nhận người nghiện ma túy; Bộ Công an có hướng dẫn tiêu chí xác định đối tượng nghiện ma túy thuộc nhóm côn đồ hung hãn vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động Thương binh Xã hội xây dựng Luật Dự phòng và cai nghiện ma túy; ủng hộ trình Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi trong đó sẽ có tòa chuyên trách để ra quyết định đối với các vụ việc vi phạm hành chính mục tiêu lớn nhất là đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.