Câu chuyện xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông không phải là mới, thế nhưng những ngày gần đây người dân rất quan tâm, đó là theo Bộ luật Hình sự 2015, từ 1/1/2018, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.
Hầu hết người đi bộ ở nước ta hiện nay đều vi phạm Luật giao thông. |
Thực tế thì không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản có nguyên nhân từ người đi bộ đi sai luật, tuy nhiên, do chưa có chế tài xử lý nghiêm nên tình trạng người đi bộ đi sai luật vẫn diễn ra tràn lan, nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn.
Không phải đâu xa, ngay giữa thủ đô Hà Nội, chuyện người đi bộ đi sai luật như thế này được xem là bình thường. Người ta có thể qua đường bất cứ ở đâu và thời gian nào mà không cần quan tâm đến luật giao thông.
Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân là do người đi bộ đi sai luật, tuy nhiên, không ít người gây tai nạn xong lại bỏ mặc nạn nhân. Chính vì vậy, khi đưa hành vi phạm tội của người đi bộ sai luật vào Luật hình sự, nhiều người dân rất đồng tình…
Hàng vi "leo rào" rất nguy hiểm trên quốc lộ hiện nay của người đi bộ. |
“Người đi bộ sai, là nguyên nhân gây ra TNGT dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì những người đấy xứng đáng bị xử phạt thật nghiêm. Đây cũng là cảnh tỉnh cho người khác thôi chứ không phải cứ nghĩ là không biết hay thế này thế nọ là không ổn lắm”, bà Trần Thị Bình, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói.
Trên thực tế, tình trạng người đi bộ sang đường bừa bãi, không đúng vị trí vẫn diễn ra tràn lan gây cản trở giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, khiến chính những người điều khiển phương tiện "bị oan".
Khi được hỏi vì sao không đi vào phần đường dành cho người đi bộ, đa số mọi người đều cho rằng "tiện đâu qua đó cho nhanh".
Người đàn ông này cố băng qua giao lộ trước hàng loạt phương tiện, mặc dù vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cách đó không xa. |
“Tôi đi và đã chứng kiến nhiều vụ TNGT liên quan đến người đi bộ gây ra. Thậm chí khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện còn bị bắt đền, kiểu như “xe to đền xe nhỏ”, nhiều người bị oan. Việc xử phạt người đi bộ sai là xứng đáng và cần thiết. Vì một mạng người, một người ý thức tham gia giao thông kém mà để xảy ra như thế thì nên xử phạt nghiêm”, ông Lê Danh Đạo, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.
Bỏ qua sự tồn tại của cầu bộ hành, người đi bộ vẫn thản nhiên di chuyển dưới lòng đường. (Ảnh chụp tại phố Chùa Bộc, đoạn qua Học viện Ngân hàng). Ảnh: CT. |
“Tình trạng đi bộ của mình hiện nay khá phổ biến nhưng mà việc nhắc nhở và xử lý thì người dân chưa ý thức được. Người dân có lỗi sang đường ở các vị trí nhất định, đặc biệt là đường cao tốc có dải phân cách cứng rồi mà vẫn trèo qua thì đó là ý thức, mặc dù không phải người ta không biết, thứ 2 là lâu nay một vài địa phương như TP.HCM xử lý người đi bộ hay đi xe thô sơ gây tai nạn cho người khác thì đều phải được xử lý”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết.
Hà Nội cũng đã từng ra quân xử phạt người đi bộ đi sai luật, thế nhưng xử lý chỉ mang tính hình thức, không hiệu quả. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn, tình trạng đi bộ sai luật tràn lan đâu lại vào đấy. Người dân hầu hết không ý thức được sai phạm của mình.
Chính vì vậy, khi áp dụng xử lý hình sự người đi bộ hoặc đi xe thô sơ gây tai nạn nghiêm trọng sẽ tác động tích cực lên ý thức tham gia giao thông của người dân và hy vọng họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình, chấp hành tốt luật giao thông./.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Cần xác định đúng lỗi
Tôi ủng hộ việc tăng chế tài xử phạt hành vi này để ngăn chặn vi phạm. Nếu trường hợp người đi bộ vi phạm ở những tuyến đường cấm đi bộ thì hành vi đã quá rõ ràng, trách nhiệm của người đi bộ trong vụ tai nạn là rất rõ. Tuy nhiên, nếu người đi bộ liên quan đến một vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở đường hỗn hợp, có nhiều phương tiện cùng tham gia vào thời điểm xảy ra tai nạn thì quá trình điều tra cần xác định rõ lỗi chính có phải do người đi bộ hay không? Việc xác định lỗi của người đi bộ trong các trường hợp giao thông hỗn hợp là khá phức tạp, có phải là nguyên nhân chính gây ra hậu quả nghiêm trọng, từ đó mới có căn cứ để buộc tội.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông: Xử lý nặng là không công bằng
Mức phạt tù có thể đến 15 năm đối với người đi bộ gây ra TNGT là quá nặng, không công bằng. Việc đưa ra các chế tài là cần thiết để răn đe, giáo dục về pháp luật. Tuy nhiên, nếu xử lý quá nặng thì không hợp lý, cần xem xét để có mức xử phạt hợp lý hơn. Chúng ta không đáp ứng được hạ tầng cho người đi bộ thì tại sao lại xử phạt họ nặng như vậy?
Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT - Bộ Công an:
Khi tham gia giao thông, dù là tài xế điều khiển ô tô, người đi xe máy hay người đi bộ đều phải bình đẳng trước pháp luật nếu gây ra TNGT với hậu quả nghiêm trọng. Nếu người đi bộ thiếu ý thức, vi phạm luật giao thông gây chết người thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định, không thể lấy lý do là người đi bộ thì giảm nhẹ tội.