Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của truyền thông xã hội mang lại cho công chúng cơ hội tiếp cận thông tin nhiều hơn, đa dạng hơn và đang làm thay đổi nhanh chóng bối cảnh truyền thông trên phạm vi toàn cầu.

Trong bài phát biểu khai mạc Phiên họp dành cho những người làm phát thanh trong khuôn khổ Đại hội đồng ABU lần thứ 50 tại Hà Nội sáng nay (24/10), Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải nhấn mạnh đây thực sự là cơ hội, song  cũng là thách thức trực tiếp, đòi hỏi những người làm phát thanh phải luôn năng động, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của thính giả.

radio-abu-2.jpg
Phó Tổng Giám đốc VOV, ông Vũ Hải phát biểu tại Diễn đàn

Ông Vũ Hải khẳng định, phiên họp này là diễn đàn bổ ích cho những người làm phát thanh Việt Nam và quốc tế giao lưu, cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nâng cao chất lượng nội dung thông tin và làm đa dạng các chương trình phát thanh, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công chúng.

Phó Tổng Giám đốc cho biết, ngành phát thanh Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ thông qua các chính sách đầu tư dành cho ngành phát thanh. Hiện nay, ngành phát thanh Việt Nam đang phát triển theo hướng hiện đại hóa về kỹ thuật công nghệ, chuyên nghiệp hóa về sản xuất và đa dạng hóa về thể loại chương trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân và của bạn bè quốc tế.

Từ khi ra đời cho tới nay, phát thanh luôn là một trong những phương tiện truyền thông phổ cập, đạt hiệu quả cao trong truyền tải thông tin và đã đóng góp tích cực cho sự phát triển cả ở phạm vi mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu, ông nói.

Đại biểu các đài quốc tế và Việt Nam tham dự Diễn đàn

Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, đến nay, phát thanh Việt Nam đã phủ sóng mặt đất đạt trên 99% khu vực dân cư và đang có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đặc biệt là nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và luôn là phương tiện truyền thông tin cậy trong mọi tình huống khó khăn, như thiên tai, bão lũ....

Bà Vijay Sadhu, Trưởng ban chương trình phát thanh của ABU, nêu rõ xu hướng báo chí ứng dụng trên các thiết bị cầm tay. Bà cho rằng các cơ quan truyền thông nên quan tâm đến việc đa dạng hóa các loại hình phát thanh, các phương pháp tiếp cận thính giả, đặc biệt là thính giả trẻ với nội dung hấp dẫn và nhiều phương tiện truyền tải.

Bà Vijay Sadhu cũng cho biết liên hoan tiếng hát ABU sẽ được tổ chức tại Sri Lanka vào năm 2014 cùng với hội nghị thượng đỉnh thế giới về truyền thông cho trẻ em.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề chiến lược mới của ngành phát thanh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những bài học từ các nước châu Âu.

Các bài tham luận cho thấy cái nhìn cụ thể hơn về phát thanh trong thời đại bùng nổ thông tin và sự thay đổi thanh chóng các loại hình dịch vụ phát thanh, đặc biệt là trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng các đài phát hiện thanh đang phải đối mặt với những thách thức trong việc xác định các vấn đề chiến lược mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thính giả, đặc biệt là thính giả trẻ. Trong số những thách thức đó, có cả những thách thức từ truyền thông xã hội, song cũng sẽ là cơ hội lớn cho phát thanh. Vấn đề đặt ra là làm sao để tận dụng truyền thông xã hội góp phần phủ sóng phát thanh và thu hút khán giả nhiều hơn.

Một khó khăn nữa của phát thanh là việc xác định và thu hút thính giả trẻ tuổi. Khó khăn này đồng thời sẽ giúp những người làm phát thanh xác định hướng đi, để xây dựng các chương trình mới và tăng cường tính tương tác với thính giả trẻ.

Việc khai thác sức mạnh của phát thanh kỹ thuật số, biến nó thành lợi thế của các đài phát thanh trong lĩnh vực truyền thông cũng được các đại biểu đề cập tại cuộc họp. Phát thanh không còn chỉ là âm thanh mà đó là truyền thông đa phương tiện, lợi thế này cần phải được các đài phát thanh phát huy hơn nữa./.