Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trong những năm qua, hoạt động báo chí nói chung và các cơ quan báo chí trong ngành y tế nói riêng đã phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc chủ động cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin về y tế. Nhờ đó các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế đã đến gần với người dân hơn.

Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" được tổ chức lần đầu tiên sẽ là dịp để lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt chất lượng cao, khẳng định vai trò của báo chí truyền thông. Báo chí không chỉ tìm tòi, phản ánh kịp thời những kết quả, thành tựu của công tác y tế, các tiến bộ y học kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong ngành y tế, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của y tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.

"Việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" là dịp để lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt chất lượng cao, giàu ý tưởng sáng tạo, có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, phản ánh trung thực, phong phú về các lĩnh vực của ngành y tế", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời các thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong 2 năm 2020 và 2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời các thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước.

Lực lượng báo chí đã phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo không ngừng cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh; Phản ánh những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu chống dịch, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và sự sẻ chia trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Đặc biệt, báo chí đã phản ánh rõ nét sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân; các chủ trương, giải pháp, quyết sách và việc triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị…nhờ đó Việt Nam từng bước kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" sẽ được các nhà báo ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc nhiệt tình ủng hộ và tham gia. Thông qua Giải báo chí sẽ giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác y tế, các tiến bộ y học trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành y tế, cổ vũ, động viên các cán bộ trong toàn ngành y tế chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phát biểu tại Lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đây là một hoạt động thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với ngành y tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ.

"Các cơ quan báo chí chính là thành phần quan trọng trong thực thi các nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông đến người dân và toàn xã hội về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Chính phủ về công tác y tế, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân", ông Hồ Quang Lợi nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đang đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn, gian khổ. Báo chí truyền thông hơn bao giờ hết phải cùng chung tay, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ để truyền thông vận động người dân chủ động, tích cực cùng tham gia, biết cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giữ an toàn cho chính bản thân mình, góp phần bảo vệ cho cả cộng đồng, dân tộc.

Bên cạnh đó, Giải báo chí cũng tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực y tế.

Tới dự Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" và phát biểu trao đổi với báo chí, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khẳng định, trong bối cảnh cả nước đang chung sức đồng lòng chống đại dịch COVID-19, những người làm báo cũng gặp khó khăn chung nhưng đồng thời phải dấn thân hơn trong khi tác nghiệp. 

"Đây là sáng kiến hay với sự phối hợp của Bộ Y tế và Hội Nhà báo Việt Nam. Trong hơn 2 năm qua, cả thế giới và Việt Nam đã nỗ lực chống đại dịch COVID-19, qua đó, ghi nhận sự đóng góp to lớn của ngành y tế. Với báo chí nói chung và Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng, chúng tôi đã dành thời lượng rất lớn trên tất cả các kênh, các loại hình báo chí để tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe nhân dân, tuyên truyền chung tay chống dịch COVID-19. Tôi tin rằng Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" sẽ rất thành công vì các tác phẩm báo chí đều được thể hiện phong phú, đặc biệt là được đầu tư công phu. Mọi phóng viên đều mang tâm thế chống dịch, đảm bảo an toàn nhất khi tác nghiệp", ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Giải báo chí được tổ chức sẽ góp phần ghi nhận, cổ vũ kịp thời các phóng viên, nhà báo có những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao phản ánh trung thực các lĩnh vực của ngành y tế. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực y tế./.

THỂ LỆ GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC “VÌ SỨC KHỎE NHÂN DÂN”

QUY ĐỊNH VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM DỰ GIẢI

1. Quy định về tác giả

- Tác giả là công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong và ngoài nước, là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, là các nhà báo chuyên nghiệp hoặc cộng tác viên các cơ quan báo chí, truyền thông đều có thể tham dự Giải.

- Tác giả tham dự Giải phải là người không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác của Nhà nước.

- Thành viên của Ban tổ chức, Hội đồng Giám khảo không tham dự Giải.

2. Quy định về tác phẩm dự Giải

- Là tác phẩm báo chí bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt) viết về lĩnh vực y tế được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Thời gian đăng tải tác phẩm: Từ ngày 15/6/2021 đến ngày 15/6/2022.

- Tác phẩm dự Giải bảo đảm đúng chủ đề, nội dung bảo đảm tính chính xác (đúng địa chỉ, sự việc, số liệu, thời gian).

- Tác phẩm dự Giải bảo đảm không có tranh chấp hay vi phạm về bản quyền. Ban tổ chức không hoàn trả tác phẩm và được quyền sử dụng tác phẩm dự Giải vào mục đích tuyên truyền.

- Những tác phẩm đã được trao thưởng ở các cuộc thi ở địa phương vẫn được quyền dự Giải nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng. Ban tổ chức không nhận các tác phẩm đã đoạt giải ở các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế.

QUY ĐỊNH VỀ LOẠI HÌNH, THỂ LOẠI BÁO CHÍ VÀ TIÊU CHÍ  XÉT CHỌN

1. Loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, ảnh báo chí.

2. Thể loại: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký sự, ảnh đơn, nhóm ảnh, phóng sự ảnh…

3. Tiêu chí xét chọn

3.1. Tiêu chí về nội dung

- Nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước về ngành y tế, phản ánh kịp thời, sâu sắc, chính xác các vấn đề của ngành y tế; tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, tấm gương các thầy thuốc, đội ngũ y, bác sĩ luôn hết mình vì công việc, vì người bệnh; phê phán, đấu tranh với những tiêu cực trong ngành y tế; động viên được các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Tác phẩm dự giải phải có thông tin y tế chính xác, trung thực, khách quan; có tính phát hiện, có tính định hướng dư luận cao; có sức hấp dẫn, thuyết phục đối với công chúng; có tác động tích cực đến đời sống xã hội, được các tầng lớp nhân dân, ủng hộ hoan nghênh.

- Các tác phẩm đề cập đến những vụ việc tiêu cực trong ngành y tế phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và sửa chữa, khắc phục, được các cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, đúng quy định.

- Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực khoa học chuyên môn còn có những ý kiến khác nhau phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.

Tiêu chí về hình thức

- Báo in: Tác phẩm có độ dài không quá 05 kỳ, đứng tên nhóm không quá 05 tác giả, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài (không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ).

- Báo điện tử: Tác phẩm có độ dài không quá 05 kỳ, đứng tên nhóm không quá 05 tác giả, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài (không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ). Tác phẩm thể hiện những đặc trưng đa phương tiện của báo điện tử (không xét những tác phẩm lấy từ báo in).

Tác phẩm báo điện tử gửi bản in nguyên bản trang điện tử, kèm theo đường link tác phẩm (qua email).

- Phát thanh: Tác phẩm có độ dài không quá 05 kỳ, đứng tên nhóm không quá 05 tác giả, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài. Thời lượng mỗi kỳ không quá 60 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Tác phẩm phát thanh ghi lên đĩa DVD hoặc USB, trên nhãn đĩa hoặc file trong đĩa/USB cung cấp đầy đủ thông tin tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, nơi phát sóng, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.

Lưu ý: Gửi kèm đường link tác phẩm trên trang điện tử (nếu có).

- Truyền hình: Tác phẩm có độ dài không quá 05 kỳ, đứng tên nhóm không quá 05 tác giả, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài. Thời lượng mỗi kỳ không quá 60 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của truyền hình là hình ảnh động, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Âm thanh, hình ảnh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Tác phẩm truyền hình ghi lên đĩa DVD hoặc USB, trên nhãn đĩa hoặc file trong đĩa/USB cung cấp đầy đủ thông tin tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, nơi phát sóng, thời lượng và thời gian phát sóng. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.

Lưu ý: Gửi kèm đường link tác phẩm trên trang điện tử (nếu có).

- Ảnh báo chí: Tác phẩm là ảnh gốc, phản ảnh tính chất báo chí (không xét ảnh đã xử lý kỹ thuật, ảnh nghệ thuật, ảnh phong cảnh, ảnh phô-tô hoặc chụp lại từ ảnh gốc). Nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh có không quá 10 ảnh, có cùng thời điểm đăng tải, thể hiện cùng nội dung nhất quán.

Cùng với tác phẩm ảnh đã đăng tải, tác giả gửi kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm x 24cm (đối với ảnh đơn) và 12cm x 18cm (đối với phóng sự ảnh, nhóm ảnh).

THỜI GIAN, ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM, CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

1. Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày phát động đến hết ngày 30/6/2022 (tính theo dấu bưu điện).

2. Địa chỉ nhận tác phẩm:

Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam

Địa chỉ: 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 024.3935.1071, 0979.820.162 (chuyên viên Võ Thu Nga)

Email: bannghiepvu.hnb@gmail.com

Hoặc

Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế

Địa chỉ: 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.6282.7979

Email: vuttboyte@gmail.com

Lưu ý:

- Ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sức khỏe nhân dân”.

- Ghi rõ bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email của tác giả.