Ô nhiễm môi trường khu vực Tây sông Đáy trên địa bàn 2 huyện Thanh Liêm, Kim Bảng tỉnh Hà Nam từ hoạt động nổ mìn khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng làm nứt gẫy nhà dân. Người dân trong khu vực hoang mang vì nhiễm độc, mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có cả ung thư được VOV phản ánh trong bài “Dân kêu sinh bệnh chết vì ô nhiễm môi trường ở phía Tây sông Đáy” và “Ô nhiễm vùng Tây sông Đáy: Không chỉ dân, cán bộ cũng bị nhiễm độc”.
Trao đổi phóng viên Báo điện tử VOV về việc chấn chỉnh những hoạt động liên quan đến nổ mìn khai thác đá nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Tây sông Đáy, ông Nguyễn Văn Hán- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Nam khẳng định, nổ mìn khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng đã tạo ra nhiều hệ lụy.
Mặt được là tạo ra công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho xã hội. Tuy nhiên, đi theo đó là môi trường phải trả giá vì ô nhiễm khói, tiếng ồn, bụi… người dân trong khu vực tỷ lệ bệnh tật đường hô hấp cao.
Cũng theo ông Hàn, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên “xiết chặt” việc cấp phép, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt yêu cầu 68 doanh nghiệp ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp khai thác khoáng sản theo hồ sơ thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt, sử dụng đúng lượng thuốc nổ được phép.
Ông Hán thông tin thêm, từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản xin cấp phép sử dụng vật liệu công nghiệp nổ. Sở Công Thương trình UBND tỉnh đưa cụ thể thông tin về lượng thuốc nổ sử dụng lớn nhất trong 1 lần nổ, tổng lượng thuốc nổ được phép sử dụng trong 1 năm và phương pháp nổ mìn của từng vị trí mỏ vào Giấy phép sử dụng vật liệu nổ.
Không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản vượt quá công suất khai thác được cấp phép nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động nổ mìn gây ra.
Xe tải chở đá chạy ầm ầm băm nát đường giao thoog. |
Sở Công Thương cung cấp cho Công an tỉnh Hà Nam thông tin số liệu hoạt động vật liệu nổ công nghiêp để khai thác khoáng sản trong năm 2017, trong đó kèm theo bảng thông tin số liệu vật liệu nổ được phép sử dụng của 66 doanh nghiệp làm căn cứ phối hợp trong công tác quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
“Giấy phép cấp ghi rõ công suất một năm khai thác đá của doanh nghiệp, theo phương án được duyệt vật liệu nổ của 1 khối đá thực thiện. Công an trên cơ sở này thực hiện quản lý, cấp phép cho vận chuyển vật liệu nổ”- ông Hán cho biết.
Tất cả các giấy phép cấp nổ mìn ghi rõ số lượng vật liệu nổ được phép dùng, phương án, định mức vật liệu nổ trong ngày, trong năm. Với biện pháp này, cùng với việc không cấp mới, không gia hạn, không mở rộng công suất UBND tỉnh Hà Nam khống chế 1 năm khai thác khối lượng khoảng hơn 10 triệu m3 đá.
Mặt đường lồi lõm. |
“Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng những doanh nghiệp gộp dồn 2 lần nổ gần nhau để gây cộng hưởng nhằm khai thác được nhiều đá hơn” – ông Hán thừa nhận.
Đặc biệt, lực lượng thanh tra đã trình UBND tỉnh kiên quyết xử lý vi phạm trong hoạt động nổ mìn, cụ thể lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 doanh nghiệp sử dụng vượt lượng thuốc nổ theo định mức công suất khai thác năm 2016, với tổng số tiền phạt là 880 triệu đồng.
Đường dây nóng của tỉnh, Sở Công Thương, Tài nguyên – Môi trường được lập để người dân khi phát hiện biểu hiện sai phạm báo cơ quan chức năng tới lập biên bản xử phạt, thậm chí đình chỉ thu hồi giấy phép khai thác đá và giấy phép sử dụng vật liệu nổ”.
Trước đây, theo ông Hán việc cấp phép vật liệu nổ chỉ chung chung không có định mức, không có số lượng, không có hộ chiếu, không có công tác giám sát đây là khuyết điểm, nhược điểm của các ngành tham mưu dẫn đến khó quản lý.
Thời tiết khô thì bụi trằng xóa nếu mưa thì sình lầy |
Nay việc xiết chặt “định mức” vật liệu nổ đương nhiên khiến doanh nghiệp không thể tranh thủ tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng gấp đôi vật liệu nổ vào một chuyến xe “đem lại hiệu quả cho cá nhân nhưng hệ lụy cho xã hội, nhà nước”.
Từ thực tế va chạm trong công việc ông Hán cho biết: “Đương nhiên bị đụng chạm đến lợi ích khi cán bộ xuống thông báo dừng cấp vật liệu nổ theo thông báo chỉ đạo của tỉnh đến các doanh nghiệp, chủ mỏ còn bị đe dọa tính mạng”.
Với quyết tâm kiên quyết xử lý việc nổ mìn phá đá vô tội vạ gây ô nhiễm, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý vật liệu liệu nổ công nghiệp nổ trên địa bàn bước đầu các ngành chức năng đang kiểm soát hơn tốt hơn việc sử dụng vật liệu nổ khai thác đá bừa bãi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn Tây sông Đáy./.Dân kêu sinh bệnh chết vì ô nhiễm môi trường ở phía Tây sông Đáy