Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 58 cơ sở sản xuất vôi thủ công đang hoạt động, chủ yếu tập trung tại địa bàn thành phố Uông Bí với 44 cơ sở. Các lò vôi này khiến môi trường khu vực xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân trong vùng. Hơn nữa, hầu hết hoạt động của các cơ sở này không có giấy phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người lao động.

lo_nung_voi_2_vov_cbld.jpg
Tại một xưởng sản xuất vôi thủ công

Tại thành phố Uông Bí, nơi có 44 cơ sở sản xuất vôi thủ công, những con đường với vệt đen vệt trắng, những hàng cây quanh năm trắng xoá vì bụi vôi và các thửa ruộng khó canh tác do ô nhiễm từ các lò vôi thủ công.

Các lò vôi thủ công hình thành tự phát, không có thiết kế, tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng. Biết sức khoẻ bị ảnh hưởng vì khói bụi, nhưng nhiều gia đình vẫn đánh đổi để mưu sinh với nghề này.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, một công nhân làm viêc tại lò vôi, "tôi cũng biết ô nhiễm nhiều nhưng không có công ăn việc làm thì không có gì để sống. Ô nhiễm thì cũng phải chấp nhận thôi”.

Còn anh Bùi Văn Hải thì cho rằng: “Ô nhiễm là chuyện đương nhiên, đeo khẩu trang chỉ che được 50-60% khói bụi, còn 40% là vào người, kiểu gì cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Các con đường có xe chở vôi, vật liệu qua lại bị bụi vôi bám dày 

Những công nhân làm việc tại các lò vôi chủ yếu là lao động thời vụ, không được đào tạo và trang bị bảo hộ an toàn lao động. Đã có nhiều bài học từ những vụ tai nạn lò vôi nhưng chủ các cơ sở sản xuất vẫn bất chấp để dựng lò hoạt động.

Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất phải chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công. Tuy nhiên, khó khăn cần giải quyết là các lao động dư thừa phát sinh sau khi đóng cửa các lò vôi.

Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP Uông Bí, nói: "Chuyển đổi nghề nghiệp còn là một việc tương đối khó. Việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các lò vôi trên địa bàn thành phố còn nhiều vướng mắc. Đề nghị của các hộ về việc giãn nợ ngân hàng và hỗ trợ, thành phố đã rà soát và tổng hợp, sẽ nghiên cứu kỹ để hỗ trợ các lò vôi thủ công này".

Các lao động dôi dư sau khi đóng cửa các lò nung vôi cũng là khó khăn cần giải quyết

Còn ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh:  "UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương chủ động rà soát lại các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn. Trên cơ sở đó xem xét đề xuất các cơ chế hỗ trợ tùy theo từng đối tượng, loại hình".

Chủ trương xóa bỏ các lò vôi thủ công không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động, sức khỏe cộng đồng mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể cho các chủ lò vôi chuyển đổi ngành nghề hoặc đầu tư dự án mới, cũng như chuyển đổi nghề nghiệp kịp thời cho người lao động khi các lò nung vôi thủ công chấm dứt hoạt động./.