Vấn đề ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long đang ngày một trầm trọng trước sức ép từ sự phát triển ồ ạt các đô thị ven bờ, các khu công nghiệp, dịch vụ, cảng biển,… Nguyên nhân một phần là do ý thức của người dân, nhưng phần lớn vẫn là những bất cập về hạ tầng, quy hoạch. Trước những thách thức về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo vệ môi trường “kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”.
Từ ngày 1/1/2016, theo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, hơn 500 tàu du lịch thăm quan Vịnh Hạ Long đã di chuyển từ cảng tàu Bãi Cháy về hoạt động tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Từ khi chuyển sang cảng mới với hệ thống thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được tổ chức rất bài bản đã không còn cảnh những đống rác bốc mùi hôi thối ngay cạnh khu vực cầu cảng như trước nữa.
Tính trung bình, mỗi ngày cảng Tuần Châu đón gần 10.000 lượt khách du lịch, có những ngày cao điểm lên tới gần 30.000 lượt khách tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long. Bà Phạm Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty môi trường 24/24, đơn vị thực hiện dọn vệ sinh tại Cảng cho biết, công tác thu gom rác ở đây được thực hiện rất kỹ, từ các tàu du lịch cho tới các hộ kinh doanh, thùng rác công cộng. Mỗi ngày các xe thu gom khoảng 8 tấn rác, trong đó lượng rác vớt được dưới nước khoảng 6-7 tạ.
Nhân viên vệ sinh thực hiện vớt rác trôi nổi trên Vịnh Hạ Long tại cảng tầu Tuần Châu. |
“Cùng với gần 100 công nhân môi trường của Tập đoàn Tuần Châu, chúng tôi lúc nào cũng giữ vệ sinh sạch sẽ để khách đến đây lúc nào cũng yêu quý Tuần Châu. Và đặc biệt là bảo vệ di sản của Vịnh Hạ Long mà chúng tôi tự hào khi được sinh sống ở đây” - bà Dung cho biết.
Thu gom rác trên các tàu du lịch nghỉ đêm để mang vào bờ xử lý tại cảng tàu Tuần Châu. |
Những bất cập của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cũng đang được TP Hạ Long và các địa phương ven bờ vịnh Hạ Long hứa hẹn điều chỉnh.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, TP Hạ Long đã có kế hoạch đấu nối nước thải từ khu vực Cột 3 đến Cột 8 vào Trạm XLNT Licogi Cột 5 - Cột 8. Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long” sử dụng vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản, TP Hạ Long sẽ triển khai thực hiện Tiểu dự án “Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long”.
Những cống nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý sẽ được điều chỉnh trong năm 2017. |
Cùng với chính quyền địa phương, ngành than cũng đã có nhiều hoạt động tích cực. Trong đó phải kể đến việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải mỏ, nước thải sinh hoạt của các đơn vị khai thác than. Ông Vũ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Công ty than Hà Lầm, cho biết, đến nay tất cả các mỏ khi thiết kế đều tính đến xây dựng các nhà máy xử lý nước thải mỏ. Hiện nay than Hà Lầm đã xử lý được 100% nước thải mỏ trước khi đổ ra môi trường.
“Ngay trong bản thân thiết kế thì công tác bảo vệ môi trường đã được đưa ra rất nghiêm ngặt. Ở trong này xây dựng 2 trạm xử lý nước thải, 1 là trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất là 400m3/ ngày đêm hiện đang vận hành từ năm 2015. Còn trạm xử lý nước thải hầm lò công suất vào khoảng 4000m3 một giờ, chúng tôi đang hoàn thiện xây dựng. Dự kiến là trong quý 1 sẽ hoàn thành. Trạm xử lý nước thải này đã được tính toàn thiết kế cho cả đời mỏ”.
Nhà máy xử lý nước thải mỏ công suất lớn ở mức -150 của công ty than Hà Lâm đang được khẩn trương hoàn thiện và đi vào hoạt động. |