Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, có nhiều dân đã người vượt hàng trăm km về thủ đô viếng Đại tướng tại nhà riêng số nhà 30 Hoàng Diệu. Tại thủ đô kháng chiến Tân Trào, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã lập bàn thờ tại nơi Đại tướng từng ở và làm việc để người dân có dịp đến thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Đại tướng.

Rất đông người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các địa phương lân cận đã đến Nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào để thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có người đã từng được gặp Đại tướng, có người chưa bao giờ gặp mà chỉ được nghe, được nhìn qua báo chí. Nhưng tất cả đều có chung tình cảm kính yêu và tiếc thương Đại tướng.

ngoi-nha2.jpg
Ông Hoàng Minh Tân cạnh ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc

Hình ảnh và lời nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian sống, làm việc và cả những lần Đại tướng về thăm đã in sâu trong tâm trí mỗi người. Trên gương mặt ai cũng hiện lên niềm tiếc thương vô hạn, như vừa mất đi người thân trong gia đình.

Ông Ma Anh Tuấn, người dân thôn Tân Lập bồi hồi kể lại kỉ niệm ngày Đại tướng trở lại Tân Trào. Đại tướng để lại ấn tượng đẹp với người dân với những cử chỉ, hành động rất giản dị, gần gũi như một người con đi xa trở về.

Trong thời gian hoạt động cách mạng tại Tân Trào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người dân Tân Trào đùm bọc, che chở. Người dân nơi đây coi Đại tướng như người thân trong gia đình. Bởi vậy, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ai ai cũng xót thương vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam.

Ông Nông Văn Huy, người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương xúc động chia sẻ: “Biết tin bác Giáp qua đời, tôi rất đau buồn. Bản thân tôi nguyện dạy dỗ con cháu, học tập, noi gương bác Giáp lao động cần cù, góp sức nhỏ bé để xây dựng đất nước làm cho nhân dân no ấm, đất nước thịnh vượng”.

Ông Hoàng Minh Tân, cháu nội cụ Hoàng Trung Dân, chủ ngôi nhà đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống và làm việc năm xưa, kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Đại tướng mà đã được ông bà, cha mẹ kể lại.

Qua những câu chuyện ấy, ông càng thêm yêu quý, cảm phục và biết ơn công lao to lớn của Đại tướng đối với dân tộc. Ông Tân nhận thấy trách nhiệm phải gìn giữ kỉ vật và tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về vị tướng tài của dân tộc.

Ở Tân Trào, nơi ghi dấu những mốc son lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những câu chuyện, hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng sẽ còn mãi với người dân ở vùng đất cách mạng này./.