Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội, hiện vẫn có không ít dự án chung cư chưa được phép “bán nhà trên giấy” nhưng vẫn rao bán tràn lan. 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù đã có không ít bài học về việc mua nhà trên giấy khi dự án chưa đủ điều kiện bán, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện và thậm chí mất trắng tiền đặt cọc, thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

“Hà Nội đã và đang luôn công khai các dự án trên địa bàn đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai trên trang web của Sở Xây dựng nhằm giúp người mua tránh được những rủi ro trong việc chủ đầu tư huy động vốn không đúng mục đích. Tôi tin rằng, khách hàng khi quyết định “xuống tiền” không thể không biết thông tin vì công tác tuyên truyền trên báo chí rất rầm rộ, họ sẽ tìm hiểu. Song, đối với dự án có vị trí tốt, đắc địa, người mua cố vin vào niềm tin nào đó để an ủi bản thân, ví như tin vào thương hiệu chủ đầu tư, tin vào những lời có cánh của nhân viên kinh doanh rằng đặt cọc mua được giá rẻ. Trong khi đó, nhân viên kinh doanh chỉ quan tâm đến việc làm sao bán được hàng, còn sau này như thế nào thì họ không cần biết, vì họ chuyển việc liên tục”.

Ngậm trái đắng vì chiêu “lách luật” của chủ đầu tưThực tế cho thấy, dự án chưa đủ điều kiện bán nhà trên giấy, chủ đầu tư, sàn giao dịch “lách luật” bằng cách không chính thức mở bán mà thông qua những buổi công bố, ra mắt giới thiệu dự án để thu tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng. Sự kiện giới thiệu bao giờ cũng có đến cả trăm nhân viên kinh doanh - môi giới BĐS của công ty và các sàn giao dịch tham gia tiếp cận khách hàng, chào mời mua dự án với các hình thức đặt cọc giữ chỗ…  

Theo các chuyên gia bất động sản, bản chất của loại “hợp đồng đặt chỗ”, đặt cọc mua nhà trong những trường hợp này thực chất là một hình thức huy động vốn trá hình mà quyền lợi của khách hàng khá rủi ro. Đặt cọc qua sàn có khi còn mất trắng nếu chủ đầu tư không công nhận giao dịch của sàn đó là chính thống đối với dự án của họ. Có trường hợp người mua đặt cọc ở dự án “nóng”, sau phải ngậm trái đắng vì giá chính thức được công bố bị đẩy lên rất cao, hoặc là bỏ số tiền đặt cọc (nếu ít so với giá trị căn hộ) hoặc là vẫn tiếp tục cuộc chơi với giá đắt hơn giá trị thực.

Thông thường, sau quá trình huy động vốn đến khi bán chính thức, chủ đầu tư  sẽ cố tình tạo “sốt ảo” để nâng giá bán hoặc lấy lý do chi phí đầu tư tăng, biến động thị trường để tăng giá so với cam kết khi đặt cọc. Cuối cùng chỉ có người mua chịu thiệt, ấm ức mà không làm gì được. Bởi lẽ, đối với một số trường hợp nhất định, khi sự cố “mua - bán” xảy ra, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt hành chính. Còn phần lớn rất khó xử lý vì đó là thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư, sàn giao dịch và khách hàng./.