Liên quan đến tàu chở 2.000 tấn dầu bị cháy ở Hải Phòng, ngay trong đêm 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý, khắc phục sự cố.

tau3_itgc.jpg
Tàu bốc cháy khi đang cập cảng tiếp nhiên liệu. Ảnh: Văn Huy

Trường hợp khẩn cấp và vượt thẩm quyền, báo cáo gấp Thủ tướng và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng để có chỉ đạo kịp thời.

Xăng bị cháy là A92?

Theo Cảng vụ Hàng hải Thái Bình, tàu Hải Hà 18 rời Cảng Diêm Điền theo giấy phép 1815445/TBH. Tàu có 1 thuyền trưởng và 8 thuyền viên, hàng hóa được phép rời cảng là 625,08 tấn xăng A92.

Tuy nhiên, xăng A92 tại thời điểm 10/3 không còn bán trên thị trường. Bởi, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2018, loại xăng khoáng này sẽ ngừng bán, thay vào đó là xăng A95 và sinh học E5.

Hiện trường tàu chở dầu Hải Hà bị cháy.  Ảnh Minh Khang.

Mục đích của việc chuyển đổi này là góp phần giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí phát thải nhà kính. Do đó, việc tàu Hải Hà 18 chở 900m3 xăng A92 khiến dư luận băn khoăn.

Sau khi tàu chở dầu Hải Hà 18 (thuộc Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà) bị cháy, nhiều người nghi ngờ tại sao lại là xăng A92 mà không phải loại nhiên liệu nào khác?

Ông Bùi Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thông tin sau vụ cháy, đã yêu cầu chủ tàu Hải Hà 18 báo cáo việc này.

“Theo lý giải của công ty, xăng A92 sau khi nhập về sẽ được pha thêm 5% cồn Ethanol để trở thành xăng E5”, ông Minh cho hay.

Nhiều người nghi ngờ và đặt câu hỏi nguồn gốc hơn 600 tấn xăng A92 trên tàu Hải Hà 18 của Công ty Hải Hà có từ đâu?. Ảnh Minh Khang.

Nhiều ngày sau vụ cháy tàu, qua điện thoại, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, ông Bùi Văn Minh thông tin thêm: "Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên chưa thể cung cấp thông tin".

Trước đó, trao đổi với với báo chí về việc tàu Hải Hà 18 chở xăng A92 vốn bị “khai tử” nhưng lại cập cảng tại Hải Phòng để xuất hàng, ông Nguyễn Kiên Giang - Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: "Do tàu Hải Hà 18 chở xăng dầu lưu hành trong nội địa nên không phải khai báo với cơ quan Hải quan".

Hơn 600 tấn xăng A92 từ đâu ra?

Ngoài những câu hỏi nghi vấn trên, tại sao đến thời điểm 10/3, hơn 2 tháng sau khi có “lệnh” dừng lưu hành xăng A92, tàu Hải Hà 18 vẫn vận chuyển xăng A92 lớn đến như vậy? Nguồn gốc hơn 600 tấn xăng A92 trên tàu Hải Hà 18 của Công ty Hải Hà có từ đâu?

Cảng K99 thuộc Công ty xăng dầu Quân đội khu vực 1 nơi xảy ra vụ cháy. Ảnh Vũ Đạt.

Theo ông Bùi Văn Minh, khi tàu Hải Hà 18 nhập cảng, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có nhận được tờ khai của chủ tàu về chủng loại hàng hoá. Các vấn đề khác về hàng hoá (như hoá đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán số xăng nói trên cũng như nguồn gốc hàng hoá – PV), thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý thị trường.

Được biết, tàu bị cháy có tên Hải Hà 18, thuộc Công ty Hải Hà (trụ sở ở Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Công ty Hải Hà thành lập từ năm 2009, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh xăng xuất nhập khẩu xăng dầu, các dịch vụ cung ứng xăng dầu, kinh doanh kho bãi lưu giữ hàng hóa.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Công ty Hải Hà có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung dự án Kho xăng dầu Hải Hà - Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) vào quy hoạch hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2025.

Sau vụ tàu Hải Hà 18 khi đang bơm xăng A92 vào kho chứa tại cầu cảng K99 (Đình Vũ – Hải Phòng), dư luận đặt câu hỏi tại sao lại là xăng A92 và số lượng xăng lớn đó nguồn gốc thế nào?

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn hiện đang có kho xăng dầu Nghi Sơn quy mô 20.000m3 (giai đoạn 1 là 10.000m3 của Công ty Dầu Việt Nam- PV Oil). Trước đó, năm 2012, doanh nghiệp này được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Cùng năm, Bộ Công Thương có quyết định tạm giao hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Hải Hà với khối lượng 120.000 m3/tấn, trong đó xăng là 40.000 m3, dầu diesel là 50.000 m3, dầu mazut 30.000 tấn.

Theo đăng ký kinh doanh, Công ty Hải Hà do ông Tô Văn Thọ là người đại diện pháp luật, bà Trần Thị Tuyết Mai (vợ ông Thọ) làm giám đốc.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ngay sau khi sự việc xảy ra, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với Công ty Hải Hà cũng như đề nghị cung cấp thông tin liên quan tới tàu chở dầu bị cháy, tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin, một nhân viên trực điện thoại cho biết, lãnh đạo công ty đang đi nước ngoài nên không có nhà để báo cáo và chuyển những thông tin liên quan để trả lời báo chí.

Như VOV.VN thông tin trước đó, vào khoảng 16h30 ngày 10/3, khi tàu Hải Hà 18 vào cảng K99 (phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng) để bơm hút xăng thì bất ngờ phát nổ và bốc cháy dữ dội.

Vào thời điểm trên, tàu Hải Hà 18, trọng tải khoảng 2.000 tấn đang nhận xăng thì bất ngờ phát nổ lớn. Do là tàu chở dầu - một nguyên liệu dễ cháy nên ngọn lửa bùng cháy rất lớn, kèm theo đó là cột khói đen bốc lên nghi ngút. Ngay lập tức, các thành viên trên tàu đã nhanh chóng dời lên bờ, đồng thời gọi điện báo lực lượng chức năng./.