Sáng 15/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2013-2018 và kế hoạch 2018-2020.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Đề án bệnh viện vệ tinh có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đối với người dân, họ được thụ hưởng các kỹ thuật cao như: thụ tinh ống nghiệm, chạy thận nhân tạo, mổ nội soi… Cán bộ bệnh viện vệ tinh được nâng cao trình độ tay nghề. Bệnh viện tuyến trên có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. |
Bộ trưởng cũng cho rằng, bệnh viện trung ương chỉ nên tập trung thực hiện kỹ thuật cao, còn các bệnh thông thường nên khám ở tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải. “Có bệnh viện khám 5.000-8.000 bệnh nhân/ngày như hiện nay, bệnh nhân xếp hàng chờ từ 4h sáng để được khám bệnh, trong khi nhiều bệnh không cần phải lên tuyến trung ương. Tuyến trung ương quá tải, tuyến dưới lại thưa thớt"- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, thời gian tới các bệnh viện tuyến cuối như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, bệnh viện K Trung ương... cần xây dựng các trung tâm đào tạo ngang tầm quốc tế.
Giải quyết được 80% nhu cầu nguyện vọng của tuyến dưới
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, 5 năm qua, Đề án bệnh viện vệ tinh đã giải quyết được 80% nhu cầu nguyện vọng của tuyến dưới và khả năng cung ứng của tuyến trên, nâng cao công tác chuyên môn. Đa số cán bộ được chuyển giao đã phát huy được hiệu quả. Đề án cũng đã chuyển giao được những kỹ thuật cao, phức tạp.
Sau 5 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Mô hình bệnh viện vệ tinh cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. Bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như BV Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La), Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khường (Lào Cai); Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường… Bệnh viện vệ tinh không chỉ là những bệnh viện công lập mà còn ở các bệnh viện ngoài công lập. Tại TP HCM xuất hiện Phòng khám bệnh viện vệ tinh thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bộ Y tế triển khai bệnh viện vệ tinh chuyên ngành nội tiết
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiệu quả rõ nét của Đề án là 85% các bệnh viện tuyến dưới giảm tỷ lệ chuyển tuyến lên tuyến Trung ương, từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM.
“”Chúng tôi đánh giá cao chuyên khoa tim mạch. Trước đây Bệnh viện Tim quốc gia, Bệnh viện Tim Hà Nội luôn trong tình trạng quả tải, tới 5 bệnh nhân/giường thì nay đã giảm tải đáng kể. Chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, ung bướu, sản nhi đều có các chỉ số cho thấy tỷ lệ chuyển tuyến giảm đáng kể”- ông Khuê cho biết.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện rà soát lại kế hoạch của cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới. Đây là vấn đề quan trọng để khớp điều chỉnh và thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh./.