Tính đến hết tháng 10 năm nay, thành phố Cần Thơ phát hiện hơn 5.600 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có hơn 3.420 người còn sống, tỷ lệ ở mức 277 người nhiễm còn sống/100.000 dân.

Trong điều kiện kinh phí bị cắt giảm, Cần Thơ tập trung vào các hoạt động truyền thông và chuyên sâu để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS hướng tới mục tiêu 90-90-90. Đó là 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp, giảm nguy cơ lây truyền.

can_tho_hiv_ctfb.jpg
Hội trại truyền thông hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, ngành y tế thành phố Cần Thơ triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức tọa đàm về nội dung “Thành phố Cần Thơ hướng tới mục tiêu “ba không” về HIV/AIDS và chương trình điều trị cai nghiện các chất ma túy bằng Methadone”; tổ chức hội trại - triển lãm, đêm văn nghệ truyền thông…

Thông qua chương trình hoạt động, các đơn vị trực thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và các nhóm tự lực, nhóm cộng tác viên đồng đẳng tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm truyền thông cộng đồng tại địa bàn dân cư. Mỗi đơn vị cũng thực hiện các chương trình tư vấn, đưa nhóm đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV sớm, vận động họ điều trị bằng ARV và chất thay thế Methadone, vận động giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm H…

Bác sĩ Kiều Hữu Lộc – Phó khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Ngoài chương trình định kỳ, hoạt động truyền thông phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại huyện được tăng cường trong tháng cao điểm này. Bao cao su, bơm kim tiêm được phát tại các phòng tư vấn và thông qua các đồng đẳng viên. Tất cả các trạm y tế cũng cấp phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thông - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AID Cần Thơ cho biết: Hiện kinh phí tài trợ cho hoạt động liên quan đến phòng chống HIV/AIDS đã bị cắt giảm, ngân sách nhà nước không đủ bù đắp nhưng thành phố vẫn phải duy trì việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc, điều trị trên diện rộng và có chất lượng.

Sắp tới, bệnh nhân điều trị ARV sẽ được chuyển sang nhận dịch vụ của Bảo hiểm y tế và bệnh nhân điều trị Methadone phải đóng góp một phần chi phí, trong khi phần lớn bệnh nhân này thuộc diện nghèo, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điều trị và tuân thủ điều trị liên tục, dẫn đến nguy cơ kháng thuốc cao. Tuy nhiên, thành phố đã thống nhất giải pháp tích cực cho công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Trước mắt, ngành y tế Cần Thơ sẽ thực hiện những giải pháp từng bước, nâng cao hiệu quả hoạt động sẵn có như sử dụng đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhân viên y tế cơ sở, cộng tác viên các điểm giảm hại, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS xã, phường từ các dự án đã kết thúc trên địa bàn./.