Sáng nay (1/12), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tọa đàm với chủ đề "Giảm rủi ro lây nhiễm HIV cho người lao động trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí".
Các đại biểu tại buổi tọa đàm |
Hiện nay, ở Việt Nam, dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở tất cả tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 9/2015, cả nước có hơn 220.000 trường hợp nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là hơn 83.500 người. Hơn 86.000 trường hợp tử vong do AIDS.
Tại tọa đàm, các đại biểu nhận định: xuất phát từ sự phát triển đa dạng của nền kinh tế thị trường, những người đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến điều kiện làm việc và nguy cơ cao lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm, trong đó có HIV/AIDS. Vì vậy, việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động trong lĩnh vực này là điều cần thiết.
Theo bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Những người có nguy cơ cao với HIV là những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ giải trí nhạy cảm, nơi mại dâm có thể xảy ra. Hiện nay, tổng số các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhay cảm là 160.000 cơ sở, với số nhân viên nữ dưới 35 tuổi là hơn 69.000 người.
Bà Lê Thị Hà cho biết: “Chúng ta biết mại dâm và tình dục không an toàn đang là nguy cơ lây nhiễm HIV, sau nghiện ma túy. Đặc biệt tại các tỉnh thành phố, nếu kiểm soát thành công sự lây nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm thì sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho họ mà cho cả cộng đồng xã hội. Các loại can thiệp để giảm tác hại là cung cấp gói dự phòng và chăm sóc HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ pháp lý và xã hội, tạo thu nhập; đồng thời truyền thông thay đổi hành vi, tuyên truyền đẩy mạnh và hỗ trợ sử dụng bao cao su”.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Tổ chức công đoàn cũng đã có nhiều hoạt động trong việc phòng chống lây nhiễm HIV và thúc đẩy môi trường an toàn, sức khỏe cho người lao động nói chung và trong lĩnh vực giải trí nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Đông nói: "Vấn đề truyền thông về HIV/AIDS là rất nhạy cảm, nên Tổng liên đoàn thường lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS xác định quan điểm lấy dự phòng là chính, công tác thông tin giáo dục truyền thông là then chốt, chủ động nâng cao ý thức tự bảo vệ cho công nhân viên chức lao động, cũng như là gia đình họ ngay từ trong cơ quan đơn vị doanh nghiệp./.