Tại một góc nhỏ của khu chợ sầm uất ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh một ông cụ ngồi cặm cụi làm những chiếc đèn ông sao từ nan tre và giấy màu. Dù đã 80 tuổi nhưng mỗi dịp Trung thu, ông Nguyễn Văn Trình quê ở thôn Báo Đáp, xã  Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vẫn luôn tự tay làm những chiếc đèn ông sao với tâm nguyện trẻ em hôm nay được biết, được chơi món đồ chơi là biểu tượng của mùa Trăng tròn xưa.

den_ong_sao_vov_1_irur.jpg
Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 8 âm lịch, ông Trình bắt xe từ thành phố Nam Định ra Hạ Long để làm và bán những chiếc đèn ông sao truyền thống.

Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 8 âm lịch, ông Trình bắt xe từ thành phố Nam Định ra Hạ Long để làm và bán những chiếc đèn ông sao truyền thống, nhưng thường từ ngày 12 âm lịch, gánh hàng của ông mới trở nên nhộn nhịp vào mỗi buổi chiều. Háo hức cầm trên tay chiếc đèn ông sao vừa được mẹ mua cho, em Khuất Phương Anh (12 tuổi) học sinh trường THCS Trọng Điểm nói:  “Trung thu có rất nhiều hoạt động như múa lân, rước đèn ông sao cùng các bạn, em cảm thấy hình ảnh ấy rất là đẹp.”

Ông Nguyễn Văn Trình cho biết mỗi ngày có thể hoàn thiện vài chục chiếc đèn ông sao.

Những ngày giáp Tết Trung thu, căn phòng nhỏ hơn chục mét vuông ông Nguyễn Văn Trình thuê theo ngày dưới chân cầu Bãi Cháy ngổn ngang bột hồ, giấy bóng kính nhiều màu, khung tre, dây thép. Ông cho biết mỗi ngày có thể hoàn thiện vài chục chiếc đèn, dù một mắt ông đã hỏng hẳn, mắt còn lại cũng đã mờ theo tuổi tác, thời gian. Khéo léo dán từng tấm giấy bóng kính màu vào khung tre sao cho vừa vặn nhất.

Ông Trình cho biết: "Nghề truyền thống hàng trăm năm nay ông cha để lại. Muốn duy trì nghề này nên năm nào tôi cũng ra đây đã được ba chục năm rồi. Không bao giờ tôi bỏ nghề. Có những năm mưa gió thì cất đi để sang năm bán tiếp, còn tạnh ráo đắt rẻ gì tôi cũng bán hết.”

Đã ngót nghét 30 năm bán đèn ông sao mỗi dịp Trung thu tại thành phố Hạ Long, ông Trình chia sẻ sẽ không bao giờ bỏ nghề để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.

Đêm muộn dần, ông Trình gói ghém cẩn thận những chiếc đèn chưa bán được. Giúp ông thu dọn những chiếc đèn ông sao, chị Vũ Thị Nguyên, giáo viên mầm non, sống tại phường Hà Phong, thành phố, chia sẻ: "Thật sự tôi thấy rất cảm động, nhìn thấy ông cụ cao tuổi bán hàng như vậy, mình cảm thấy rất trân trọng những người vẫn luôn gìn giữ truyền thống. Tôi không ngờ rằng trong quá trình tôi giúp cụ thì cũng có rất nhiều bạn trẻ ủng hộ.”

Tiếng trống múa lân mừng Trung thu đã rộn ràng vang lên đây đó. Trong nhịp sống tấp nập của phố phường, những chiếc đèn ông sao lấp lánh trên tay các em nhỏ thực sự là hình ảnh đẹp, gợi lại Tết Trung thu cổ truyền khi những đứa trẻ háo hức quây quần bên mâm cỗ trông Trăng. Và những người như ông Trình chính là dấu gạch nối để giúp thế hệ trẻ thêm yêu và trân quý hơn những giá trị truyền thống của văn hóa Việt./.