Gần một tháng nay, nhiều người dân tại một số khu vực ở thành phố Đà Nẵng phản ánh tình trạng nước sinh hoạt có màu vàng đục, đóng cặn bẩn đen và có vị lợ. Ông Nguyễn Minh Trung, ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cho biết, nhà ông dùng khăn ướt, bông gòn bịt đầu vòi nước, chỉ sau vài ngày, thấy có cặn màu vàng sậm, nước trên bồn chứa cũng bị cặn vàng.

khanh_hoa_1_vov_ibdo.jpg
Người dân một số khu vực ở Đà Nẵng phản ánh nước bị đóng cặn sau khi lọc.
“Nước trên bồn khoảng một tuần lễ xả xuống thấy còn bợn. Bây giờ chỉ sử dụng nước máy chứ khu vực mình lấy nước mô sinh hoạt. Họ dùng thì mình cũng dùng chứ biết dùng nước mô. Khu vực này đóng nước giếng bơm cũng dùng không được”- ông Trung cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ở phường Hòa Thuận Đông, quận Cẩm Lệ cho hay, từ trước Tết đến nay, nguồn nước sinh hoạt luôn có vị lợ. Hàng năm, vào mùa hè mới xảy ra hiện tượng này, nhưng năm nay tình trạng nhiễm mặn xảy ra sớm hơn. Bà Thủy đề nghị Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng - Dawaco cần có lời giải thích rõ ràng đối với khách hàng và giảm giá tiền nước khi chất lượng nước sinh hoạt không bảo đảm.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước sinh hoạt của một hộ dân, các chỉ tiêu đều ở mức an toàn.
“Tôi đề nghị Công ty Cấp nước Đà Nẵng nên có chính sách như thế nào đối với người sử dụng nước. Tại vì nước bị ô nhiễm, bị nhiễm mặn, chất lượng không đảm bảo nhưng giá vẫn bình thường. Tiền nước vẫn đóng đều hàng tháng. Nên phải có chính sách, giá phải đi đôi với chất lượng”- bà Thủy nói.

Vừa qua, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng- Dawaco phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật- Sở Y tế thành phố Đà Nẵng lấy mẫu nước tại nhà khách hàng và nhà máy sản xuất nước đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm tra cho thấy, các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Bác sĩ Võ Thị Duy Lệ, Trưởng khoa Sức khỏe, Môi trường và Y tế trường học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, theo kết quả kiểm nghiệm, các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về độ mặn, oxy hóa hữu cơ… ở mức sát với ngưỡng quy định. Theo bác sĩ Võ Thị Duy Lệ, nếu sử dụng nguồn nước không qua lắng lọc và bị nhiễm mặn lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người dân.

“Chúng tôi đã có công văn đề nghị sở Xây Dựng chỉ đạo Nhà máy nước định kỳ thường xuyên súc rửa các hệ thống lắng lọc tại nhà máy; súc rửa đường ống và kiểm tra lại toàn bộ mạng lưới. Khuyến cáo người dân thường xuyên xúc rửa bồn, bể chứa nước…”- bác sĩ Võ Thị Duy Lệ cho biết.

Dawaco tăng công suất vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch bơm nước giải mặn.
Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng- Dawaco thừa nhận, nguyên nhân nước sinh hoạt bị đục cục bộ tại một số khu vực do chất lượng đường ống gang, thép sử dụng lâu năm bị hư hỏng xuống cấp. Nước sau khi xử lý tại các nhà máy vẫn còn hàm lượng cặn lơ lửng trong giới hạn cho phép.

Thời gian tới, Dawaco tăng cường kiểm tra chất lượng nước mạng lưới, súc xả đường ống, thay thế đường ống kém chất lượng… Từ đầu tháng 2 đến nay, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Độ mặn có xu hướng tăng dần và ngày càng ở mức cao. Theo ông Hồ Minh Nam, công ty đã  tăng công suất vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch bơm nước giải mặn, cung cấp nước đảm bảo chất lượng cho khách hàng.

“Khi những chỉ số vẫn nằm trong những quy chuẩn theo quy định của Nhà nước thì có nghĩa là Dawaco chúng tôi không làm sai quy định. Việc áp giá tất cả các giá nước phải theo đúng quy định của nhà nước”- ông Hồ Minh Nam cho biết.

Hiện nay, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Cổ phần Cấp nước khẩn trương đầu tư nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô dẫn về Nhà máy nước Cầu Đỏ; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ và dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung, hoàn thành trong tháng 3/2019. Về lâu dài, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Công ty Thủy điện ĐăkMill và Sông Bung và UBND tỉnh Quảng Nam có phương án chia sẻ nguồn nước đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân./.