Ngay sau Tết, nhiều người dân ở các quận Cẩm Lệ và Thanh Khê phản ánh tình trạng nước sinh hoạt có nhiều cặn bẩn.

Đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, đã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Y tế lấy mẫu nước tại 10 địa điểm khác nhau để kiểm định chất lượng nước. Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng khẳng định, chất lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân vẫn ở ngưỡng an toàn.

nuoc_1_uzbu.jpg
Nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn.

Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng Ban Đầu tư, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết: Độ mặn trong nước sinh hoạt ở mức dưới 100mg/l là có vị ngọt, còn cao hơn 100mg/l là có vị lợ. Theo kết quả quan trắc chất lượng nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ, độ mặn của nước sạch sau trạm bơm cấp 2 (ra mạng lưới cấp nước cho thành phố) từ ngày 10/2 đến nay thường xuyên ở mức trên 150mg/l, có thời điểm lên đến 190mg/l. Chỉ số này đồng nghĩa với việc nước sinh hoạt trong mạng lưới đường ống cấp nước có vị lợ.

Dù vị lợ trong nước sinh hoạt cấp cho thành phố tăng dần, nhưng theo tiêu chuẩn nước sạch do Bộ Y tế quy định, độ mặn trong nước ăn uống ở các khu vực bình thường từ 250mg/l trở xuống là an toàn, riêng khu vực ven biển và hải đảo (như thành phố Đà Nẵng) thì dưới 300mg/l là an toàn. Trong những ngày qua, tuy nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng kéo dài, nhưng Dawaco đã bơm nước ngọt từ thượng lưu đập dâng An Trạch về để sản xuất và khống chế độ mặn trong nước cấp cho sinh hoạt thấp hơn so tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng Ban Đầu tư Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết: "Nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn cho nên cố gắng duy trì độ mặn dưới 300mg/l. Nước đục có thể bị một số chỗ cục bộ. Công ty đang cùng với bên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe hôm qua đã đi kiểm tra xét nghiệm tại 10 địa điểm trên địa bàn xem thử chất lượng nước như thế nào thì bên mình đang chờ kết quả"./.