Sáng nay (15/11), Đoàn công tác Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng về việc khai thác, sử dụng nước của nhà máy nước Cầu Đỏ; hệ thống đập dâng An Trạch phía thượng lưu liên quan đến việc sử dụng nước của nhà máy nước Cầu Đỏ; việc vận hành hệ thống các hồ chứa thủy điện.

Đoàn Công tác do ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước làm trưởng đoàn. Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước khẳng định, tình hình hạn hán tại các tỉnh miền Trung đặc biệt nghiêm trọng nhưng không được để thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

vov_nuoc_2_idox.jpg
Buổi làm việc thu hút đông bảo báo chí tham dự.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho biết, bắt đầu từ đầu tháng 10, tình hình nhiễm mặn đã xuất hiện gay gắt.

Riêng từ 31/10 đến ngày 9/11, có thời điểm độ mặn tại cửa thu nước trạm bơm Cầu Đỏ lên đến 1000mg/l. Việc cấp nước thô cho 2 nhà máy nước Sân Bay và Cầu Đỏ hoàn toàn dựa vào trạm bơm đập dâng An Trạch.

Hiện nay, nhu cầu nước sinh hoạt của toàn thành phố hơn 270.000 m3/ngày đêm nhưng hệ thống đường ống từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ không đảm bảo công suất, dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ từ ngày 4 đến 7/11.

Trước tình hình này, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm nước sinh hoạt cho thành phố. Độ mặn thường xuyên duy trì trên 1000mg/l, đặc biệt có những thời điểm lên đến 4300mg/l. Trong những ngày này nước thô cho cả 2 nhà máy nước Sân Bay và Cầu Đỏ đều phụ thuộc vào trạm bơm An Trạch. An Trạch chỉ có 210.000 mét khối. Trong khi 2 nhà máy nước Sân Bay và Cầu Đỏ sản xuất được 280.000 mét khối. Do đó việc cấp nước từ An Trạch về không đủ cho 2 nhà máy nước Sân Bay và Cầu Đỏ hoạt động. Và nhu cầu nước sạch của thành phố khoảng 270 ngàn mét khối, dẫn đến thiếu nước trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 7/11.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phận thủy điện Đăk My cho biết, ngày 4/11, thủy điện Đăk My 4 đã xả hơn 3 mét khối/ giây. Hiện nay, mực nước hồ thủy điện Đăk My 4 đang ở dưới mực nước chết 0,6 mét, nhưng vẫn phải xả xuống hạ du về sông Đăk My, cấp nước cho thành phố Đà Nẵng.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương lo lắng, lượng mưa ở khu vực thủy điện A Vương thấp nhất từ năm 1977 trở lại đây.

Tuy vậy, công ty vẫn phải chia sẻ nguồn nước về hạ du. Ông Thế đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có văn bản điều hành trong trường hợp thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay.

Còn ông Nguyễn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bung cho rằng lượng nước về thủy điện Sông Bung chỉ bằng 26% so với lượng mưa nhiều năm. Vì vậy từ ngày 6/10, thủy điện Sông Bung 4 đã tạm dừng phát điện. Trong hồ chứa hiện có 64 triệu mét khối, nhưng trước tình hình thiếu nước nghiêm trọng của TP Đà Nẵng, ngày hôm qua, thủy điện Sông Bung 4 đã phát điện trở lại, xả nước về hạ du. 

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, các sông từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đều thiếu nước từ 70-80%. Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt lo lắng tình hình thiếu nước phục vụ sản xuất cả mùa khô năm 2019.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm nay hạn hán sẽ diễn ra nghiêm trọng, các Công ty thủy điện nên cân đối việc phát điện và phối hợp chặt chẽ với các địa phương đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất. 

Đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước đặc biệt quan tâm đến lượng nước xả về hạ du của thủy điện Đăk My 4, A Vương và Sông Bung 4 thời điểm thiếu nước sinh hoạt ở Đà Nẵng trong các ngày từ 4-7/11.

Đại diện các thủy điện xác nhận trong khoảng thời gian đó, Sông Bung 4 hoàn toàn không phát điện nên thủy điện Đăk My 4 phải tăng lượng xả nước từ mức 3 mét khối/giây lên 12,6 mét khối giây.

Theo ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng, đơn vị quản lý đập dâng An Trạch thì mực nước tại An Trạch đảm bảo cho trạm bơm của nhà máy nước An Trạch hoạt động.

Về vấn đề này, ông Hồ Hương giải thích, lượng nước tại trạm bơm An Trạch tương đối đủ nhưng có nhiều thời điểm không đủ nước hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Duyên, Phòng Quản lý Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng nêu thực tế: "Thông qua số liệu chúng tôi lấy tại Công ty Thủy lợi Đà Nẵng thì đúng là mực nước tại trạm bơm An Trạch luôn luôn cao hơn 1,4 mét, đảm bảo cho trạm bơm An Trạch hoạt động. Tuy nhiên cũng có một số thời điểm xuống thấp và đặc biệt độ mặn dưới Cầu Đỏ tăng cao. Đây là nguyên nhân đẫn dến nguồn đầu vào cho 2 nhà máy xử lý nước Cầu Đỏ và Sân bay thiếu hụt. Vấn đề thiếu nước cần xem xét lại đường ống từ An Trạch".

Kết thúc buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho rằng, nguồn nước cung cấp cho trạm bơm An Trạch là đủ để cấp nước cho nhà máy nước Cầu Đỏ, đề nghị Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng có giải pháp phù hợp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho thành phố trong mọi trường hợp. Từ nay đến hết mùa lũ, lượng mưa còn rất ít, vì vậy Công ty Cấp nước và các thủy điện phải phối hợp chặt chẽ trên tinh thần tiết kiệm tối đa, sử dụng nguồn nước hiệu quả.

"Thời tiết diễn biến khó lường, đề nghị có giải pháp nâng được công suất và chúng tôi cũng xác định rằng sẽ phải bơm nước từ trạm An Trạch thường xuyên. Giải pháp là phải song song. Tất nhiên, trong thời gian vừa qua có đột biến về mặn vượt 1000mg/l. Đề nghị các anh sớm có giải pháp liên quan đến đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân", ông Vĩnh cho biết./.

Liên quan đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai về việc đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019. Hiện nay, trên lưu vực các sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh và lưu vực sông Ba đang trong thời kỳ mùa lũ. Từ đầu mùa lũ đến nay, trên các lưu vực sông này không có mưa lũ nên hầu hết các hồ chứa lớn đều có mực nước rất thấp. Thậm chí, một số hồ chứa đang ở mực nước chết, tình trạng các hồ không tích được nước để điều tiết cấp nước cho hạ du ngay trong mùa lũ là khá phổ biến. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, đến nay lượng nước tích được của các hồ đạt tỷ lệ rất nhỏ (chỉ đạt từ 20% đến 45%). Nếu so với yêu cầu lượng nước tối thiểu vào đầu mùa cạn cũng chỉ đạt từ 35% đến 50%. Theo nhận định của khí tượng thủy văn, các tháng cuối năm lượng mưa trên khu vực Trung bộ - Tây nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 50%. Vì vậy, nếu từ nay đến cuối năm, tình hình mưa lũ không xảy ra thì nguy cơ thiếu nước ngay trong mùa lũ  tiếp tục phức tạp. Và nguy cơ thiếu nước trong mùa cạn cuối năm 2018 - đầu năm 2019 cũng sẽ nghiêm trọng.Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành trên các lưu vực sông vừa nêu chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương; các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa và các đơn vị quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước phía hạ du thực hiện một số giải pháp cấp bách đảm bảo nguồn nước phục vụ người dân.Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ trên lưu vực, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ, giám sát chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa để đảm bảo các yêu cầu về phòng lũ, giảm lũ cho hạ du (trong trường hợp có lũ về). Đồng thời, ưu tiên việc tích nước của các hồ chứa để phòng ngừa, hạn chế nguy cư các hồ chứa không tích đủ lượng nước tối thiểu vào cuối mùa lũ, đầu mùa cạn./.