Không thu hút được bác sĩ, thậm chí nhiều bác sĩ trưởng thành từ cơ sở cũng rời đi. Điều này đã khiến cho không chỉ các cơ sở y tế “đau đầu” mà ngay cả chính quyền địa phương cũng rất trăn trở.

Mặc dù các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện luôn mở rộng cửa nhưng không hút được bác sĩ về, thậm chí nhiều bác sĩ còn xin chuyển đi hoặc ra ngoài làm tư nhân.

Theo mức bình quân chung của cả nước thì có gần 7 bác sĩ/10.000 dân, nhưng tại các huyện như: Phúc Thọ, Ứng Hòa chỉ có hơn 2 bác sĩ/10.000 dân.

Không chỉ riêng các huyện mà quận Hà Đông cũng thiếu bác sĩ, nhất là các bác sĩ chuyên khoa. Nguồn nhân lực thiếu dẫn đến việc ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị cho bệnh nhân cũng gặp khó khăn, nhiều máy móc hiện đại không được sử dụng đến. Tình trạng này kéo dài dẫn đến việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân phải chuyển tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên là điều tất yếu.

ha-noi-ba-sy.jpg

Khám chữa bệnh cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh

Nguyên nhân khiến nhiều bác sĩ giỏi không muốn về bệnh viện huyện do mức thu nhập chênh lệch quá lớn giữa tuyến trên và tuyến cơ sở.

Mức lương cộng trợ cấp tuyến cơ sở chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng trong khi tại các phòng khám tư thành phố cũng có mức thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng. Điều kiện làm việc cùng các trang thiết bị hiện đại trên thành phố cũng thuận lợi hơn.

Để thu hút được các bác sĩ về tuyến cơ sở, các bệnh viện huyện cũng đang cố gắng hỗ trợ thêm thu nhập. Ngoài ra, hỗ trợ thêm tiền đi học chuyên khoa, chuyên sâu và các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật.

Huyện Phúc Thọ đang xây dựng kế hoạch mới với những ưu đãi cho những bác sĩ làm việc lâu dài ở địa phương như cấp đất, cấp nhà công vụ cho những bác sĩ về công tác tại huyện từ 10 năm trở lên. Tuy nhiên, để làm được việc đó cần có cơ chế đặc thù để các địa phương có thể giải quyết vấn đề này./.