Xã nghèo hoang mang vì đa cấp

Xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An là một xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đời sống của người dân nơi đây còn rất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp.

vov_da_cap_1_fmfl.jpg
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại đã có 74 hộ dân trên địa bàn xã Thanh Sơn tham gia với số tiền 1,825 tỷ đồng.
Trong thời gian vừa qua những người dân nghèo tại đây lại vô cùng hoang mang sau khi “cơn bão” đa cấp quét qua, cuốn sạch hơn 1,8 tỷ đổng của gần 80 hộ dân.

Điều đáng nói, nguyên nhân chính khiến nhiều người dân dù không có tiền vẫn bán trâu, bán bò, vay mượn để cố mua cho mình một mã hàng bởi tin vào “uy tín” của các cán bộ xã. Chính một số cán bộ chủ chốt trong xã đã cho công ty này mượn nhà riêng để tổ chức “hội thảo” và những người này cũng trực tiếp “thuyết trình” để vận động nhân dân tham gia vào mạng lưới bán hàng với lợi nhuận “siêu khủng”.

Ông Lô Trung Thông – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết có 12 cán bộ xã tham gia đa cấp, trong đó có 3 người chủ chốt.

Trước đó, một mạng lưới bán hàng đa cấp đã về địa bàn xã để gây dựng chi nhánh. Tại đây, có một số cán bộ chủ chốt của xã Thanh Sơn được tham gia và được “đào tạo” để gây dựng hệ thống bán hàng đa cấp tại đây. “Theo thống kê của xã, đến nay có 12 cán bộ xã đã tham gia, trong đó có 3 người chủ chốt đã tham gia từ ngày đầu tiên và đứng ra vận động bà con, nhân dân trong xã tham gia. Ba cán bộ chủ chốt của xã gồm có: ông Vi Trọng Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã, ông Vi Thành Viên – Phó Chủ tịch HĐND xã và ông Vi Văn Thâm – cán bộ văn phòng xã”.

Ông Lô Trung Thông – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, đầu tiên mạng lưới bán hàng đa cấp về địa phương này với cái tên Lô Hội, sau đó lại là Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam. Để tham gia vào mạng lưới bán hàng là mua một mã hàng sau đó sẽ được hưởng tiền tri ân rất lớn. Đối với mỗi mã hàng thì sau 3 – 5 năm người dân có thể lãi đến 300 triệu đồng. Mức lãi không tưởng, nhưng vì thấy cán bộ cũng tham gia và thấy họ “kiếm được tiền thật” nên nhiều người dân đã “nhắm mắt đưa chân” tin theo những vị cán bộ xã này.

Một số hàng hóa khi người dân mua mã hàng của công ty được phát.

“Lúc đó, tôi đến nhà anh Vi Trọng Thủy thấy họ trao tiền, nhận tiền và là tiền thật nên tôi về bàn với gia đình rồi sau đó mua 2 mã hàng với hết 16.900.000 đồng. Sau đó tôi cũng không vận động ai tham gia nữa, bản thân tôi cũng chưa lần nào được nhận tiền tri ân”, ông Lô Văn Quy – chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Sơn cũng là một “nạn nhân”  cho biết.

Các cuộc “hội thảo” và trao tiền tri ân được diễn ra tại nhà của ông Vi Trọng Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã. Đồng thời các hộ dân khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đều được “hứa” sẽ nhận được số tiền “tri ân” khủng, đối với mỗi thành viên đã tham gia khi vận động được thêm thành viên mới sẽ được hưởng một số tiền hoa hồng tương ứng.

Dân mất tiền còn cán bộ lại được “tri ân”

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Thanh Sơn, đến thời điểm hiện tại có 74 hộ trên địa bàn xã tham gia với tổng số tiền là 1.825.000.000 đồng. Trong đó người mua ít nhất là 1 mã hàng với số tiền là 8.450.000 đồng. Người mua nhiều nhất là 22 mã hàng với tổng số tiền tương ứng là 185.900.000 đồng.

Ông Hùng Xuân Nghệ một người dân ở bản Thanh Bình, xã Thanh Sơn cho biết: “Thấy cán bộ xã cũng tham gia nên tôi cũng lấy hết số tiền tiết kiệm của gia đình trong nhiều năm qua để nhiều lần mua mã hàng, tôi đã mua 8 mã hàng của công ty. Mỗi lần mua thì được nhận một túi gồm nhiều loại thuốc. Tôi cũng không biết thuốc này để chữa bệnh gì nên đưa về để trong nhà thôi. Bây giờ tôi cũng chỉ muốn công ty trả lại số tiền của tôi đã nộp cho công ty thôi”.

Ông Hùng Xuân Nghệ một người dân buồn rầu khi đã dốc toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình để mua 8 mã hàng.

Không như những người dân khác, đối với 3 cán bộ xã, những nhân vật chính tại hệ thống bán hàng đa cấp ở xã Thanh Sơn đã được công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam “tri ân” với số tiền hàng trăm triệu đồng. Điều đó cũng tương đương với số thành viên mà các vị cán bộ xã này đã đưa vào hệ thống bán hàng đa cấp này.

Việc “tri ân” các cán bộ xã không những để khuyến khích họ trong công việc, đồng thời còn là để tạo lòng tin cho những người có ý định tham gia khi nhìn thấy lợi ích ngay trước mắt.

Theo thống kê bản thân ông Phó Chủ tịch HĐND xã Vi Thành Viên vận động 26 người, Phó Chủ tịch UBND xã Vi Trọng Thủy đã trực tiếp vận động 14 người tham gia. Khi được người dân thắc mắc, có ý kiến lên UBND xã thì các cán bộ xã tại đây vẫn cho rằng việc làm của mình là hoàn toàn hợp pháp.

Tại Hội nghị hiệp thương về bầu cử HĐND xã Thanh Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong cơ cấu danh sánh HĐND xã vẫn tiếp tục có tên của ông Vi Trọng Thủy, Vi Thành Viên và Vi Văn Thâm. Khi biết được thông tin trên, người dân trên địa bàn xã đã vô cùng bức xúc, vì họ cho rằng chính những vị cán bộ này đã đưa người dân vào cái “bẫy” đa cấp để thu lợi cho cá nhân khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã mất ổn định. Sau đó vị cán bộ xã này đã xin rút khỏi danh sách ứng viên HĐND./.