Sáng nay (11/3), tại hội thảo Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về Di dân do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức, nhiều đại biểu kiến nghị: cần xem lại chính sách quản lý dân số bằng hộ khẩu trước tốc độ di dân lớn như hiện nay.

Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, di cư quy mô lớn và tăng nhanh so với tốc độ tăng dân số. Tại thời điểm Tổng điều tra dân số năm 1999, số người di cư nội địa là gần 4,5 triệu thì năm 2009 là gần 7 triệu người. Vùng xuất cư mạnh nhất hiện nay là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, chủ yếu là thuần nông. Vùng nhập cư là Đông Nam bộ.

Người di cư đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nơi nhập cư nhưng lại đối diện với nhiều khó khăn về nhà ở, học hành, sở hữu tài sản liên quan đến hộ khẩu, khiến chất lượng cuộc sống ít được nâng lên.

Nguyên nhân chủ yếu khiến dòng di cư ngày càng lớn từ nông thôn ra thành thị, từ vùng này sang vùng kia là do nơi nhập cư tập trung các doanh nghiệp, trường học bệnh viện. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến di dân, năm 2007, nước ta đã ban hành Luật Cư trú và các bộ ngành cũng đã có 676 văn bản liên quan đến Luật cư trú.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu dự hội thảo, nhiều điểm trong Luật cư trú vẫn chưa thành hiện thực, một số quy định chồng chéo với các luật khác, cần điều chỉnh cho phù hợp. Các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách  cần nghiên cứu và xây dựng chính sách tháo gỡ khó khăn cho hang triệu người di cư do sự khác biệt giữa hộ khẩu  và nơi cư trú thực tế. Song song đó, các vùng có tiềm năng nhập cư cũng phải chủ động lảm tốt quy hoạch, xây dựng hạ tầng để đón dòng di cư lớn đổ vào, tách tối đa chức năng kinh tế- xã hội ra khỏi sổ hộ khẩu…

Giáo sư Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội nhấn mạnh: “Các chính sách liên quan đến dân số phải ghi rõ là dân số đăng ký thường trú hay là dân số thường trú thực tế, hay nói khác đi là dân số có hộ khẩu hay là dân số thường trú trên thực tế. Nên chuyển dần việc xây dựng chính sách tính toán trên cơ sở dân số thường trú thực tế. Theo tôi biết hiện chỉ còn 3 nước duy trì chế độ hộ khẩu là Trung Quốc, Việt Nam và CHDCND Triều Tiên. Chúng ta có thể tham khảo Lào và Campuchia về cách quản lý dân cư mà không cần tới hộ khẩu”./.