Để có được phép màu tiếp nối sự sống đó, không thể không nhắc tới nghĩa cử cao đẹp của những người đã hiến mô tạng sau khi qua đời. Dù họ đã vắng bóng trong ngôi nhà thân thuộc của mình nhưng với những người thân vẫn như thấy họ vẫn sống bằng một cách khác- hòa vào đời sống của nhiều người.

Đầu Xuân mới, tới thăm gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh, cán bộ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1 ở Tam Điệp, Ninh Bình- người đã hiến 6 mô tạng giúp hồi sinh 6 người bệnh, trong đó có ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam.

vov_t2_mfsf.jpg
Chị Tạ Thị Kiều vợ Thiếu tá Lê Hải Ninh bên bàn thờ chồng.

Lẽ ra trong những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi này, Thiếu tá Lê Hải Ninh sẽ được đón Tết trọn vẹn ở nhà vì cứ cách 1 năm lại đến phiên trực Tết tại đơn vị. Thế nhưng cách đây đúng một năm, trên đường về nhà sau ca trực Tết, anh Ninh đã mãi mãi không về sau một tai nạn. Thể theo nguyện vọng của gia đình tình nguyện hiến tạng, tim, thận, phổi và giác mạc của Thiếu tá Lê Hải Ninh đã được tái sinh trong cơ thể 6 người khác. Hình ảnh Thiếu tá Lê Hải Ninh tranh thủ về nhà chiều 30 Tết năm ngoái để mua một cây quất đón Xuân rồi vội vã lên cơ quan trực giao thừa là hình ảnh cuối cùng về một người cha hiền lành trong ký ức của con trai lớn đang học lớp 8.

“Tết năm ngoái bố có rủ cháu và em cháu đi chợ hoa ở gần nhà. Ba bố con chọn mua được một cây quất rất đẹp mang về nhà. Lẽ ra năm nay bố cháu được ăn Tết ở nhà nhưng bố cháu đã không về nữa, nhưng cháu rất tự hào về bố vì bố đã mất nhưng vẫn cứu giúp được nhiều người khác".

Trong những ngày Tết, cậu con trai út đang học lớp 2 thường xuyên nhắc đến bố, thậm chí còn viết thư đặt trước di ảnh của bố trên bàn thờ, khiến chị Tạ Thị Kiều- vợ của Thiếu tá Lê Hải Ninh nghẹn ngào xúc động:“Bất cứ bài văn nào viết về người thân trong gia đình là cháu lại viết về bố. Có những lần tôi còn thấy con khóc vì nhớ bố tôi. Những dòng thư con viết cho bố với những suy nghĩ rất trong sáng, ngây thơ. Con cứ viết vào những tờ giấy, rồi trang trí, cất giữ vào trong hộp hoặc để lên bàn thờ”.

Con trai út của anh Ninh vẫn viết thư cho bố rôồi đặt lên bàn thờ.

Mỗi lần như vậy, chị Kiều lại nhớ tới phút tiễn biệt chồng trước cửa phòng phẫu thuật hiến tạng. Lúc đó, chị đã chạm khẽ vào tay anh Ninh thì thầm: “Anh không ở lại được thì vẫn có thể cứu được nhiều người khác. Em chỉ mong trái tim anh sẽ vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”. Thanh thản với quyết định của mình, giờ đây, nghĩa cử cao đẹp của chồng là động lực để chị Kiều vượt qua khó khăn, nuôi 2 con khôn lớn, trưởng thành.

“Thời điểm đó, anh Ninh là người đầu tiên trong cả nước hiến tạng cứu sống được nhiều người nhất. Tôi không nghĩ sự đồng ý của mình là việc gì đó to tát mà chỉ nghĩ rằng cho đi là còn mãi, để ở đâu đó, sự sống vẫn hồi sinh", chị Kiều tâm sự.

Trước tình cảm của mẹ con chị Kiều, chị Lê Thị Thu Thủy - chị gái của anh Ninh cũng cảm thấy nguôi ngoai. Trong những ngày đầu Xuân này, tuy thiếu vắng lời chúc Tết và sự ân cần thăm hỏi của người em trai ngày nào, nhưng chị và mọi người trong gia đình vẫn như thấy Thiếu tá Lê Hải Ninh đang đi trực Tết trên đơn vị: “Anh em trong nhà tôi đều ở Tam Điệp, Ninh Bình nên ngày nghỉ, ngày lễ tết là sum vầy tại nhà của bố mẹ. Tết này là vắng hẳn chứ mọi năm em tôi đi trực Tết về là chị em lại gặp nhau. Tất cả 6 anh chị em trong gia đình vừa khóc vừa ký vào giấy để hiến tạng của em mình cho người khác là giờ phút không thể nào quên. Đến nay gia đình tôi cũng chưa gặp ai  trong số những người đang mang bộ phận cơ thể của Ninh”.

Cho đi là còn mãi, nghĩa cử của gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh đã gieo mầm sống và tiếp nối ánh sáng cuộc đời cho 6 người khác. Đặc biệt, 2 lá phổi của anh Ninh đã giúp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đi vào lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam khi thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não.

Ông Dương Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình tự hào ví anh Ninh là “chìa khóa” của phong trào hiến tạng ở địa phương.

"Gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh là trường hợp đầu tiên hiến tạng ở tỉnh Ninh Bình. Tôi cho rằng đây là chìa khóa mở ra tương lai cho phong trào hiến mô tạng của tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, góp phần cùng ngành y tế làm nên ca ghép phổi đầu tiên của nước ta”.

Tròn 1 năm thiếu vắng tiếng nói, nụ cười, giọng hát của anh Ninh trong ngôi nhà thân thuộc. Người thân của anh vẫn tin rằng anh đã được tái sinh và sống theo một cách khác, cách hoà vào đời sống của 6 người. Còn với những người được anh tiếp nối sự sống, Tết này đánh dấu mùa Xuân đầu tiên của sự hồi sinh trong cuộc đời của họ./.