Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình. Đối với thân nhân của họ, dù nỗi nhớ thương quay quắt, nỗi đau quặn thắt về sự mất mát, nhưng điều hạnh phúc và niềm tự hào nhất với họ là người thân của mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng những bộ phận được cấy ghép. Sự hồi sinh của những cuộc đời bằng nghĩa cử đầy nhân văn, cao đẹp thật đáng trân trọng.
Trong chuyến đi cùng đoàn công tác của Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người Chợ Rẫy, phóng viên VOV đã ghi nhận những câu chuyện thậm đậm tình người sau mỗi ca hiến tạng.
Chúng tôi đến căn nhà thuê của chị Phạm Thị Thúy, ngụ ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trên đường Quốc lộ 51 vào những ngày đầu năm 2019. Người con gái đi làm ăn xa, chị và con trai vừa đón một mùa Noel đầu tiên thiếu bóng dáng người chồng - người cha, nên căn nhà không khỏi trống trải.
Tấm biển đăng Thông tin của ông Phùng Văn Hinh được đặt ngay cạnh bàn thờ. Đó là những điều mà người ta nhớ đến ông, cả khi từ trần, ông vẫn còn làm việc thiện. |
Chị Thúy nhớ lại, khi đó nghe bác sĩ thông báo người chồng rơi vào tình trạng chết não, không thể cứu chữa, chị chết lặng. Nhưng ngay sau đó, vợ anh Hải lại đưa ra một quyết định khiến không chỉ 2 người con và cả gia đình “sốc”, mà các bác sĩ Bệnh viện Đồng Nai cũng hết sức bất ngờ: làm thủ tục đăng ký hiến tạng anh Hải.
Đối với Chị Phạm Thị Thuý (mặc áo đỏ), người vợ đã thuyết phục 2 con và gia đình nội ngoại để hiến tạng chồng, luôn nhớ về người chồng bằng nghị lực sống, niềm tự hào. |
Thế nhưng, các con và gia đình bên nội - ngoại đều phản đối. Con trai chị là Nguyễn Duy Long cho biết, lần đầu được nghe hai từ “hiến tạng”, Long rất bỡ ngỡ và không đồng ý vì chỉ muốn ba được trọn vẹn thân xác.
Nhưng khi nghe mẹ giải thích và thuyết phục rất nhiều, Long đã gật đầu đồng ý. Ngày đưa cha về cõi vĩnh hằng, những người dân trong giáo xứ, cả những người không theo đạo đều đến thắp hương và bày tỏ lòng tri ân vì nghĩa cử hiến tạng cao đẹp ông, Long cảm thấy mãn nguyện và tự hào: "Hàng xóm cũng có hỏi ba em hiến cho những ai, cứu được bao nhiêu người. Em cảm thấy rất hãnh diện vì ba mất đi nhưng mà vẫn cứu giúp cho nhiều cuộc đời. Nghe người ta hỏi thì em cũng đã lên mạng, đọc báo tìm hiểu, giờ em thấy càng tự hào hơn về ba".
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trao kỷ niệm chương cho gia đình anh Nguyễn Văn Hải - hiến tạng cứu sống 5 người. |
Ngoài việc đồng ý hiến xác cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khi mất đi, ông Hinh còn tìm tới bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến các bộ phận cơ thể. Ông tự tay viết giấy dán trên vách tường để nhắc cho người nhà biết về ước nguyện này của mình.
Kể từ khi ông Hinh giã từ thế gian, bàn thờ ông khi nào cũng đầy hương hoa của người đến thăm viếng. Đó là những mạnh thường quân từng song hành cùng ông đi đến những gia đình nghèo khó để làm việc thiện, là những người đồng hương Quảng Nam quê ông, cả những người neo đơn, người từng được ông giúp đỡ. Ngay cạnh bàn thờ ông, gia đình vẫn đặt tấm biển với dòng chữ “Điểm hỗ trợ quan tài cho hộ nghèo và hoàn cảnh khó khăn. Chương trình Mổ mắt từ thiện. Tình nguyện hiến máu cứu người”.
Sau khi ông Sáu Hinh qua đời, nhiều người đồng hương của ông thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ đến ông và kể những câu chuyện ông Sáu Hình làm việc thiện. |
Mấy chục năm qua, ngôi nhà nhỏ của ông là nơi hỗ trợ quan tài cho những cụ già đơn chiếc, cũng là nơi tiếp nhận vô số dân nghèo mắc bệnh về mắt có nguy cơ mù lòa để giúp họ có cơ hội được mổ mắt miễn phí.
Từ việc cứu giúp người bị tai nạn, hỗ trợ mua quan tài đến hiến máu nhân đạo, ông Hinh đều dốc hết khả năng để làm, từ những đồng tiền con cái cho và vận động bà con lối xóm.
Ngày đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm gia đình và trao kỷ niệm chương, đông đảo các thành viên trong hội đồng hương Quảng Nam cũng đến thắp hương. Câu chuyện về lão nông Sáu Hinh một đời làm việc thiện, cho đến khi mất đi ông còn hiến tạng cứu giúp 4 người khác được nhắc lại với niềm tiếc thương và cảm phục.
Noi gương ông Hinh, 3 trong số 5 người con của ông cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Ông Lê Việt, thành viên Hội đồng hương Quảng Nam xúc động chia sẻ: "Chúng tôi họp hàng tháng, hàng quý, ngồi lại bao giờ cũng nhắc đến anh Sáu. Anh Sáu Hinh là một người chúng ta nên học tập. Ai mất mà không có tiền mua hòm, anh Sáu tự bỏ tiền ra mua cho họ, anh giúp cả người trong hội đồng hương lẫn ngoài hội".
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện sẽ theo dõi và chăm sóc gia đình người hiến tạng trong vòng 2 năm, và cũng để giải tỏa khúc mắc trong lòng sau khi hiến tạng người thân. Mỗi trường hợp hiến tạng là mỗi câu chuyện khác nhau ở phía sau đầy tình người, mà mỗi dịp năm mới, đi đến từng nhà thăm hỏi, nữ bác sĩ vẫn không thể quên được. Đặc biệt, có người vợ hiến tạng chồng nhưng bị mang tiếng oan bán tạng, người thân dè bỉu, cho đến khi nhận kỷ niệm chương ghi nhận nghĩa cử cao cả ấy, đặt lên bàn thờ người chồng, chị mới hết đau đáu trong lòng. Có người mẹ đơn thân nghèo khổ, mất đi người con trai là trụ cột kinh tế trong gia đình, nhưng không chút đắn đo ký tên hiến tạng con trai để cứu sống 5 người bệnh khác…
Bác sĩ Thu mong muốn có một hệ thống điều phối tại địa phương để có thể nắm được những thông tin của các gia đình người hiến tạng, theo dõi và đồng hành cùng gia đình họ sâu sát hơn, hỗ trợ về mặt tinh thần.
“Ghép tạng chỉ là một khâu nhỏ, mà quan trọng nhất là người hiến tạng, vì họ đã hy sinh, dám chia sẻ phần cơ thể của mình để có thể cứu giúp cho những người bệnh. Với tinh thần nhân đạo đó, chúng ta cần phải tôn trọng những người này”, bác sĩ Thu nói.
Một mùa xuân mới nữa lại về, cây lá đâm chồi nảy lộc. Những người hiến tạng đã ra đi, nhưng trái tim của họ vẫn đập, lá phổi vẫn thở, thận vẫn hoạt động, hai giác mạc của họ ngày ngày vẫn ngắm nhìn cuộc sống. Sự sống của họ đang hiện hữu trong những con người khác. Họ hiến tạng là làm cho những cuộc đời khác được hồi sinh./.