Trở lại vùng lũ, khó có thể nhận ra những con suối hung dữ hôm nào. Giờ đây là dòng nước mát trong vắt, hiền hòa chảy về nuôi dưỡng lại những ruộng lúa, vườn ngô, làm dịu lại những mất mát của người dân Bản Tủ, Bản Mười.

vov_1_lmts.jpg
Các khu tái định cư ở nơi cao thoáng mát, người dân không còn phải lo lũ về.
25 hộ dân Bản Tủ, xã Sơn Lương hôm nay đã di chuyển lên Khu tái định cư Noong My nằm trên cao, bằng phẳng, gió mát quanh năm. Những căn nhà xây kiên cố, trị giá từ 200 đến 350 triệu đồng được người dân dựng lên từ sự trợ giúp của nhà nước, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm mang lớp sơn tươi mới, nổi bật giữa bốn bề núi đồi.

Bà Hà Thị Dừn và con trai là những người vượt qua nỗi đau mất con dâu và cháu khi lũ dữ, vừa xây dựng lại nhà cửa ở khu tái định cư Noong My. Với sự  hỗ trợ của nhà nước và sự quan tâm của cộng đồng, đến nay hai mẹ con bà đã dựng được nhà xây kiên cố, mua sắm được đồ dùng sinh hoạt.

Một góc khu tái định cư Noong My.
Bà Hà Thị Dừn cho biết, hiện còn nợ công thợ 15 triệu đồng nữa, nhưng như vậy là cuộc sống cũng ổn định dần: “Cái gì cũng được sự của Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến, gia đình tôi rất cảm ơn. Các công ty họ cũng về thăm, lấy tiền về cho, cũng thấy yên tâm rồi…”.

Cũng chuyển đến khu tái định cư Noong My, cách nhà bà Dừn mấy nhà, chị Đinh Thị Quý cũng vừa xây xong căn nhà mới để đón Tết. Dù trong nhà còn thiếu thốn nhiều vật dụng sinh hoạt, công nợ cũng còn nhiều, những người phụ nữ mất chồng trong cơn lũ dữ đang mạnh mẽ gây dựng lại cuộc sống. Vừa xây dựng nhà, chị vừa cải tạo lại những triền ruộng bộn bề đất đá, cát sỏi, củi rác mà cơn lũ để lại, quyết tâm đưa màu xanh của lúa ngô trở lại.

Bà Hà Thị Dừn (trái) đón khách trong căn nhà mới xây xong.
“Tết đến Xuân về có miếng cơm, cả gia đình các con cái về sum họp cũng thấy vui lắm rồi, cũng không mong muốn gì nhiều hơn”, chị Quý cho biết.

Vừa gõ cửa từng nhà, bà Lưu Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn vừa kể gia cảnh từng hộ dân ở các khu tái định cư. 

Bà Dừn cho biết đây là những bao thóc thu hoạch được khi nước rút khỏi những ruộng lúa.
Trực tiếp đi qua mưa lũ, có những ngày không kịp ăn, không kịp ngủ để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, bà Hồng không nghĩ cuộc sống của bà con ổn định lại được nhanh như thế. 

Mới 5 tháng trôi qua, nhưng với sự quan tâm của Nhà nước, sự trợ giúp của đồng bào cả nước, tất cả 62 hộ bị mất, sập trôi, hư hỏng nhà cửa đều dựng được nhà mới trước Tết.

Chị Đinh Thị Quý mong chờ một mùa Xuân ấm áp hơn.
“Xã Sơn Lương được rất nhiều nhà hảo tâm quan tâm đến tại vì từ trước đến nay xã Sơn Lương chưa bao giờ bị lũ ống, lũ quét như thế. Các nhà hảo tâm các nơi từ trong Nam ra đến ngoài Bắc đều tập trung về xã Sơn Lương để ủng hộ các hộ bị ảnh hưởng, rất là kịp thời để động viên bà con nhân dân. UBND xã chúng tôi cũng mong muốn các nhà hảo tâm cùng chung tay, góp  sức, đến xã tiếp tục ủng hộ bà con nhân dân xã”, bà Hồng cho biết.

Dòng suối hung dữ hôm nào nay đã hiền hòa, trong mát trở lại.
Đến nay, huyện Văn Chấn đã bố trí tái định cư cho gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ xảy ra vào tháng 7/2018 ở các xã Sơn Lương, An Lương, Nậm Mười. 

Gần 700 ha lúa và hoa màu bị lũ gây hư hỏng cũng đang được cải tạo, khôi phục. Với phương châm “Không để người dân vùng lũ nào không có Tết”, đến nay hầu hết các địa phương cũng đã hoàn thành việc làm nhà mới cho người dân vùng lũ, gần 100% số hộ bị mất nhà cửa kịp lên nhà mới trước Tết.

Những triền ruộng lổn nhổn đất đá đã được bà con vùng lũ cải tạo lại để gieo trồng vụ mới.
Huyện cũng đang tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình vùng lũ. Gạo cứu đói của Chính phủ cũng được chuyển tận tay nhiều hộ dân.

Ông Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Năm 2018 thì trên địa bàn huyện có một số hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chúng tôi đã yêu cầu Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát cụ thể, xem các hộ này có đảm bảo được cái Tết không, nếu không đảm bảo thì dùng ngân sách huyện để hỗ trợ. Chúng tôi cũng đã Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các hộ bị trôi sập, mất nhà trong đợt mưa lũ vừa rồi. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc cũng như các đơn vị hỗ trợ được khoảng 100 triệu đồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cái nữa là chúng tôi chỉ đạo UBND các xã thường xuyên thăm hỏi, động viên các hộ gia đình. Chúng tôi tin tưởng rằng tất cả các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ đều có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm…”

Ngô khoai cũng đã xanh lại trên đất lũ.
Trên những khoảng rừng trơ trọi, tan hoang sau lũ, những mầm non giờ đây đang vươn mình trở dậy. Những triền ruộng vốn lổn nhổn, sau cải tạo, mạ non cũng đã có thể bén rễ, đẻ nhánh; ngô khoai cũng xanh lại. Vượt qua những mất mát, đau thương, người dân vùng lũ Văn Chấn đang nỗ lực gây dựng lại cuộc sống mới, tốt đẹp và ấm no hơn./.