Mưa lũ miền Trung: Lũ rút chậm, tập trung cứu trợ vùng bị cô lập
Thứ Bảy, 18:39, 17/12/2016
VOV.VN - Mưa ở một số tỉnh miền Trung đã giảm, lũ trên các sông xuống chậm. Người dân một số vùng đi sơ tán tránh lũ đã trở về nhà.
Đến chiều nay (17/12), tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa mưa đã giảm, lũ trên các sông xuống chậm. Người dân một số vùng đi sơ tán tránh lũ đã trở về nhà. Các địa phương tập trung công tác cứu trợ người dân vùng ngập lụt.
Đê Đại Hào ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bị vỡ, nước tràn vào nhiều khu dân cư.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều nay, thêm 1 người bị thiệt mạng. Như vậy tại địa phương này mưa lũ đã làm 5 người chết. Nạn nhân vừa tử vong do lũ là ông Nguyễn Long Bình, 48 tuổi, ở tổ dân phố Bồn Trì, phường Hương An, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Sáng nay, trong lúc đi bủa lưới tại bàu Bồn Trì, ông Bình không may sẩy chân vào vùng nước sâu nên bị đuối nước. Người dân địa phương đã tìm được thi thể nạn nhân đưa về gia đình lo hậu sự. Hiện, nhiều tuyến tỉnh lộ về các huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà…còn ngập nước lũ, gây khó khăn trong việc đi lại.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hiện nay huyện đã chỉ đạo cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai về các địa phương để chỉ đạo với phương châm là 4 tại chỗ.
Đối với các vùng có nguy cơ bị sạt lở và các chỗ bị ngập sâu cần tiến hành di dời dân để đảm bảo an toàn. Đối với các tuyến đường bị ngập, chỉ đạo các lực lượng ứng trực để hướng dẫn bà con đi lại, các hồ đập hiện nay chúng tôi chỉ đạo cho xả nước để đảm bảo an toàn”.
VOV.VN - Mưa lũ ở miền Trung đã làm 9 người chết, 6 người mất tích, trong đó số người chết và mất tích nhiều nhất là tại tỉnh Bình Định.
Đến nay, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn còn bị cô lập do Tỉnh lộ 611 đến trung tâm huyện vẫn còn ngập sâu. Huyện đã cấm tất cả phương tiện ghe thuyền của người dân qua lại trên tuyến này để tránh nguy hiểm. Các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Quảng Nam như Quốc lộ 14B, 14D, 14E, đường Hồ Chí Minh có nhiều điểm sạt lở, hư hỏng, đất đá bồi lấp mặt đường gây ách tắc giao thông. Tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị quản lý bảo trì huy động phương tiện, nhân lực tập trung khắc phục các điểm sạt lở.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo thống kê thiệt hại cho nông dân ngay sau khi kết thúc đợt lũ này, và hướng dẫn bà con cách thức để trồng các loại rau màu đảm bảo phục vụ dịp Tết. Đồng thời, chúng tôi cũng đã khẩn trương tổng hợp sớm tình hình thiệt hại do mưa lũ để xin Trung ương hỗ trợ giúp bà con”.
Mưa lũ trong hai ngày qua đã gây ngập sâu trên diện rộng ở hầu hết các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh và một số khu dân cư ở huyện Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Chính quyền các địa phương tổ chức di dời xen ghép trên 4.500 hộ dân nằm trong vùng ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn. UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các lực lượng công an, quân đội chủ động phối hợp với các địa phương hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
VOV.VN - Mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 8.573 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi nói: “Hiện nay, nước các sông đang rút và chúng tôi đang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thanh niên, hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương, vùng ngập sâu để giúp dân làm công tác vệ sinh môi trường, khôi phục cuộc sống trở lại bình thường và đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ cho sản xuất”.
Tại tỉnh Khánh Hòa, đến chiều nay, nhiều nơi ở ngoại ô thành phố Nha Trang vẫn còn bị chia cắt. Tỉnh lộ 8 từ Diên Khánh đi Khánh Vĩnh bị ách tắc giao thông. Trong khi đó, nhiều điểm sạt lở trên đèo Cổ Mã, đèo Cả, Quốc lộ 1A nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
VOV.VN - Lũ trên các sông trong tỉnh lại lên mức báo động 3. Người dân các địa phương gồng mình chống chọi với mưa lũ.
Ông Tạ Thanh Tình, Cục Quản lý Đường bộ III cho biết, các doanh nghiệp, nhà thầu thường xuyên túc trực lực lượng và phương tiện để xử lý sụt trượt, đảm bảo thông xe: “Chúng tôi trực để chỉ đạo các đơn vị nhà thầu. Vì trên tuyến chúng tôi quản lý có các đơn vị nhà thầu được nhận hợp đồng; ngoài ra còn có các đơn vị BOT, trực tiếp có công cụ, phương tiện để ứng trực. Khi có sự cố sụt trượt chúng tôi chỉ đạo các đơn vị này tham gia giải quyết ách tắc”./.
VOV.VN -Ngày 16/12, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký quyết định hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên.