LTS: Người La Hủ thuộc nhóm dân tộc Tạng - Miến và được biết đến với nhiều cái tên khác như Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy... Đây là dân tộc thiểu số ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống duy nhất ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Loạt bài “Mùa lá rụng và hành trình xuống núi của người La Hủ” sẽ giới thiệu tới quý vị để hiểu rõ hơn về những đổi mới trong đời sống của cộng đồng dân tộc La Hủ.
Giữa màn đêm đông lạnh buốt, lất phất mưa bay, gió rít qua tấm liếp vách nứa khiến những tàu lá chuối và đám cỏ lau mới được lợp lên mái từ tuần trước chưa kịp úa vàng phần phật rơi xuống đất. Bên đốm lửa le lói trong làn khói mù mịt, bà Thả Na Do ở bản Thăm Pa, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) nhớ lại ký ức về những tháng ngày khổ cực của gia đình.
Đêm ấy, bà Do lại cùng chồng dắt díu đàn con đi tìm vùng đất mới. Đến vùng đất khác, rồi lại dựng lều lên để làm nương rẫy như cái lều đêm nay bà đang chuẩn bị xa nó. Lá xanh trên lều chưa kịp khô úa, hạt giống dưới đất chưa kịp nảy mầm, gia đình bà lại đi và tiếp tục in vết chân trai sần trên đá trong cuộc sống mưu sinh.
“Ngày xưa khổ lắm, ban ngày, mình toàn phải vào rừng tìm củ sắn củ mài để nuôi con thôi. Có đêm đang ngủ nghe thấy tiếng con lợn kêu, mình đốt bó đuốc chạy ra ngoài đã thấy một con hổ cắn con lợn mình nuôi rồi. Sợ quá, mình phải lấy hai ống nứa đập vào nhau một lúc nó mới bỏ đi. Vậy là lại phải đi, nhìn cái lều của mình lá vẫn còn xanh cũng tiếc đấy nhưng không biết phải làm sao”, bà Thả Na Do nói.
Cuộc sống khó khăn, cộng với tập quán du canh du cư, thiếu hiểu biết nên đồng bào La Hủ năm này qua năm khác chỉ quanh quẩn với việc tìm đất, dựng lán, phát quang cỏ cây và trọc lỗ tra hạt. Khi hạt bắt đầu nảy mầm cũng là lúc mái lá lợp nhà úa vàng, bà con lại bỏ đi nơi khác tìm mảnh đất khác.
Hành trình ấy nối tiếp như một vòng tuần hoàn từ đám nương này qua cánh rừng khác và khi nhìn thấy chim bay từng đàn xà xuống nơi nào thì bà con tìm đến nơi đó để thu hoạch. Cứ thế, tuổi thơ của những đứa trẻ người La Hủ cũng lẽo đẽo theo bố mẹ, ông bà qua các cánh rừng này, sườn núi kia trên hành trình mưu sinh.
Ông Ly Xạ Pu, ở bản Nhú Ma, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè kể lại: “Chúng tôi du canh du cư theo nhóm hộ là rất nhiều, ở trên chỗ rừng già chủ yếu là phát nương thôi. Chỗ nào trồng được ngô và lúa nương phát xong hết rồi lại xuống thấp. Thiếu đói thì cứ đi đào củ mài, củ nâu và kiếm được cái gì người ăn được thì ăn vào để sống thôi. Nhà chỉ có lán tạm thế thôi, chăn màn cũng không có, quần áo cũng không có mặc đâu. Thế rồi đêm ngủ cũng chỉ biết lấy củi đốt xung quanh, đời sống của bà con chỉ lủi thủi trong rừng như thế thôi”.
Tập quán du canh, du cư đồng bào La Hủ được truyền từ đời này qua đời khác. Họ đi nhiều và sau mỗi bước chân của họ là núi rừng bị tàn phá, đất đai bạc màu, cây cối bị đốn hạ để mùa đói cứ thế qua đi và mùa di cư thế chỗ. Sau những cuộc du canh, du cư đó, cuộc sống của bà con cũng không được cải thiện, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo.
Cái đói của đồng bào La Hủ bắt đầu từ khi núi rừng còn chưa thức giấc, nhưng đám trẻ con đã mò dậy. Dậy để tìm những cái nồi trong góc bếp, nhưng đáy nồi nào cũng trống không. Trong điều kiện tự nhiên ấy, chúng tự sinh tự diệt, nhiều đứa trẻ không tìm được cái ăn đã không chịu được cái đói rồi lịm đi.
Bà Phả Phi Sơ, 85 tuổi ở bản Thăm Pa, xã Pa Ủ nhớ lại, bà từng có 7 người con. Các con của bà sinh ra tại các lều lán tạm trên rừng trong những mùa di cư. Vì đi nhiều, các con bà đứa vừa sinh ra gặp rét phải nằm lại khe núi, những đứa khác vì cái ăn không có, nên bị bệnh mà mất. Giờ chỉ còn hai cô con gái vượt qua được những mùa đói.
“Ngày xưa đói lắm, toàn phải vào rừng đào củ mài ăn, ăn hết củ mài lại đi tìm củ nâu, chát lắm nhưng vẫn phải ăn. Người La Hủ mình ngày xưa khổ lắm. Di cư đi làm nương thì đám lợn rừng, chuột núi nó tìm đến phá hết. Nồi niêu trong lán cũng chẳng có gì, không tìm được gì ăn chúng gặm cả nồi, cả cột lán của mình đấy. Mấy đứa con của tôi cũng vì đói mà bỏ tôi từ lúc còn bé đấy, chúng nó nằm lại hết trong rừng rồi”, bà Sơ chia sẻ.
Cái đói làm quặn lòng, mùa xuân chưa hết thì mùa đói lại đến, mùa hạ qua rồi nhưng mùa đói vẫn còn lại phía sau. Đồng bào La Hủ khi xưa vì mải miết mưu sinh trong rừng mà quên cả tính mạng của mình. Có những lúc bệnh tật cướp đi trước mắt họ những người thân thiết, gần gũi nhất mà chỉ biết nhìn. Cuộc sống không điện, không đèn, để rồi sáng thức dậy chỉ có ánh mặt trời lọt vào vách liếp soi rõ hơn cái đói trong niêu.
Giờ kể lại chuyện xưa, chị Ly Mỳ Lở, ở bản Là Si, xã Thu Lũm quặn thắt tận đáy lòng, mà nước mắt rưng rưng: “Ngày xưa chẳng có đồ gì đâu, chỉ có một cái nồi thôi và bát, đũa đều làm bằng tre nứa thôi. Giường thì mình cũng tự chôn cột, tự chặt cây nứa để buộc thôi. Đêm về thì đốt lửa để sưởi ấm, không có quần áo mặc, không có chăn để đắp. Bố mẹ đi đâu thì con cháu, ông bà tổ tiên theo đấy”.
Khi ấy cô bé Ly Mỳ Lở còn rất nhỏ. Những chuyến di cư với cái đói quay quắt khiến Lở phải tự tìm cách kiếm cái ăn mà lớn lên. Chỉ có những đứa trẻ sinh ra từ cây rừng, gió núi, trải qua cuộc sống nhọc nhằn trong đói rét, mới thấu hiểu. Thậm chí đến bộ quần áo bà con cũng không có đủ để mặc. Cuộc sống đó nó như một bức vẽ không bao giờ hoàn thiện, không biết nét bút cuối cùng phải kết thúc ở đâu.
Khi ấy trên rừng sâu núi thẳm, ngoài những lán trên nương lá chưa kịp vàng đã bị chủ nhân bỏ đi thì chỉ có dấu chân của những người lính biên phòng để lại trên hành trình tuần tra. Thấy cuộc sống của bà con gian nan vất vả, các anh cũng hiểu rằng, núi rừng không có lỗi trong cái đói, mà chính con người đã tạo nên cái đói cho mình từ những hủ tục, tập quán lạc hậu.
Thượng tá Lò Văn Hiêng, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ, huyện Mường Tè cho biết: Người La Hủ ngày xưa họ không thích ở một chỗ, không thích làm nhà chắc chắn. Cái mà họ cần là nay cánh rừng này, mai cánh rừng khác, đi để cây cũ nảy mầm mới, đi để thú mới về rừng cũ, rồi người cũ ấy lại về nơi cũ tìm cái ăn. Dấu chân người La Hủ đi nhiều hơn dấu chân con nai, con hoẵng, nhưng chưa thể đi nhiều bằng dấu chân của bộ đội biên phòng.
“Lính biên phòng là những người hiểu được cái bụng của người La Hủ nhất. Chứng kiến cuộc sống khổ cực của bà con trên rừng, bộ đội biên phòng đã về báo cáo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương. Để rồi trong mỗi chuyến tuần tra, hành trang của bộ đội lại nặng hơn bởi mang thêm nương thực, thuốc men để hỗ trợ và vận động bà con xuống núi”, Thượng tá Lò Văn Hiêng cho biết thêm.
Một năm đất trời có 4 mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông, nhưng người La Hủ ở huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) phải cõng trên lưng thêm 2 mùa, đó là mùa di cư và mùa đói. Thế rồi trong tận cùng của những ngày đói, mùa đói ấy đã bắt đầu hiện ra một con đường. Từ trong những cánh rừng sâu thẳm, con đường xuống núi của đồng bào La Hủ hiện ra từ những dấu chân của những người lính mang quân hàm xanh./.