Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực thực thi từ ngày 15/3. Đến nay, gần 1 tháng quy định này có hiệu lực nhưng số người nộp hồ sơ đăng ký nhờ mang thai hộ tại 3 trung tâm được phép triển khai kỹ thuật gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP HCM) đã lên đến hàng trăm, nhưng số hồ sơ thông qua chưa được 10 cặp. Tại sao số lượng hồ sơ đăng ký đông nhưng số hồ sơ chính thức duyệt lại ít như vậy?
Cần mang đầy đủ thủ tục cần thiết khi đăng ký thủ tục mang thai hộ
GS TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia giải thích: Có rất nhiều cặp vợ chồng chưa đến mức phải dùng kỹ thuật mang thai hộ. Họ cứ cảm nhận là khó khăn và cho rằng, mang thai hộ sẽ dễ dàng đạt kết quả hơn. Họ yêu cầu thực hiện mang thai hộ nhưng khi bác sĩ thăm khám cụ thể, nghiêm túc thấy rằng, trường hợp này chưa đến mức phải sử dụng kỹ thuật đó mà chỉ cần phương pháp thụ tinh nhân tạo là được. Như vậy, số lượng hồ sơ đã giảm đi đáng kể. Tất nhiên, còn một số trường hợp khác nữa chưa thể thực hiện được vì họ chưa mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết như: giấy chứng nhận họ hàng thân thích, chứng nhận người mang thai hộ là người độc thân, nếu đã ly hôn phải có giấy chứng nhận của tòa án…
Nên nghe tư vấn của bác sĩ
GS TS Nguyễn Viết Tiến khuyến cáo, muốn quy trình làm nhanh, thuận lợi, người dân phải có đầy đủ thủ tục cần thiết trước khi đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia. Đối với người bệnh, hãy nghe lời khuyên của các bác sĩ, nghe Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia tư vấn dựa trên chuyên môn và pháp lý. Đối với y bác sĩ phải thực hiện nghiêm túc nội dung mà luật đã ban hành.
GS Tiến cũng nhấn mạnh: “Cặp vợ chồng nên nhớ rằng, mang thai hộ không phải phương pháp được ưu tiên lựa chọn. Người bệnh phải cân nhắc, thận trọng”.
GS Nguyễn Viết Tiến tin tưởng, dù Việt Nam mới thực hiện nhưng làm rất nghiêm túc, sẽ không xảy ra tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, kiếm tiền bất hợp pháp.
Luật về cho phép mang thai hộ chưa thực tiễn
Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực chữa vô sinh và cũng là người đã tạo ra nhiều niềm vui cho các gia đình, GS Nguyễn Viết Tiến cho biết, Nghị định đã được Thủ tướng Chính phủ ký và luật đã ban hành nhưng còn có một số điểm chưa hoàn toàn có ý nghĩa về mặt thực tiễn.
Trong đó, Luật nói được phép mang thai hộ đối với những cặp vợ chồng chưa có con chung. Không được phép mang thai hộ trong trường hợp có một con chung nhưng đứa con đó bị dị tật, bị tật nguyền, thậm chí là khả năng để tự phục vụ cho bản thân mình. Trong luật cũng không nói rõ là có con chung bình thường, khỏe mạnh hay có con chung dị tật… Nói tóm lại, có con chung sẽ không được thực hiện việc mang thai hộ.
GS Nguyễn Viết Tiến nói: Nếu phân tích kỹ thì thấy rằng có 2 góc độ để phân biệt người bình thường và người khuyết tật vì nó ảnh hưởng đến nhân văn, nhân đạo. Tại sao lại phân biệt đối xử như vậy? Về góc độ nhân văn, nên để cho người ta thực hiện việc mang thai hộ. Vì nếu chúng ta cho phép gia đình đó sinh thêm một đứa con nữa, đứa trẻ đó hoàn toàn khỏe mạnh sẽ tốt cho sau này. Chính đứa con khỏe mạnh đó sẽ chăm sóc bố mẹ già và cả người anh hoặc người chị bị tật nguyền đó. Đó mới là nhân văn, nhân đạo. Nhưng nay đã có luật, hãy nghiêm túc thực hiện, khi thấy bất hợp lý, sẽ sửa đổi và bổ sung.
GS Nguyễn Viết Tiến cũng lấy một ví dụ khác rất cụ thể: Nghị định 12 sinh con theo phương pháp khoa học quy định làm thủ tục ống nghiệm cho những người ở độ tuổi 45 trở lại.
Bất cập ở chỗ khi đến Trung tâm đăng ký là 45 tuổi nhưng khi hoàn thiện được các thủ tục hồ sơ, giấy tờ, xét nghiệm lại sang tuổi 46. Ở tuổi 46 mà làm là trái quy định. Trên thực tế, người ở tuổi 49 và 50 sinh nở bình thường.
a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
d) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
đ) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
e) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và từng sinh con;
g) Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
h) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
i) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
k) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
l) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
m) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.”
Trên cơ sở hồ sơ đầy đủ bạn gửi, nếu cả hai bên đáp ứng đủ các điều kiện về pháp lý và y học, cơ sở y tế sẽ thực hiện các thủ tục về mang thai hộ theo quy định của pháp luật.
Về con sinh ra trong trường hợp nhờ mang thai hộ, theo quy định tại Điều 94 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. (Nguồn VnExpress)./.