Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) nêu rõ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2013 trình Quốc hội tại kỳ họp này có nêu: "Chính sách mua tạm trữ lúa gạo còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nông dân. Vì số lượng người được hưởng lợi trực tiếp còn ít, nhiều doanh nghiệp không có mạng lưới thu mua trực tiếp từ nông dân mà thông qua các thương lái nên tình trạng ép giá vẫn xảy ra phổ biến".

Thực trạng trên dẫn đến hệ quả thường thấy là cứ được mùa thì mất giá và người nông dân luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao có thực trạng này cũng như cần có sự chỉ đạo như thế nào để chấn chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cũng đặt vấn đề, với giá bán khó có lãi thì mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong quá trình thu mua, tạm trữ lương thực phải đảm bảo cho người nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu là 30% có thực hiện được không? Giải pháp thế nào? Vì cho đến nay đại bộ phận người trồng lúa trong cả nước chưa thụ hưởng được kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thái Học, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tôi xin chia sẻ với những khó khăn của nông dân phải rất vất vả mới làm ra được nông sản nhưng khi bán hàng ra thì giá chẳng được bao nhiêu”.

caoducphat1.jpg
"Bộ sẽ tìm biện pháp tạo ra môi trường cạnh tranh, không để cho tổ chức, nhóm đơn vị có ưu thế trên thị trường khống chế giá bán nông sản trên thị trường cũng như giá của nông dân' (Ảnh: Infonet).

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để giải quyết những bất cập trên, Bộ NN&PTNT đang cùng với các Bộ, ngành liên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tìm ra mọi giải pháp để khắc phục tình hình trước mắt cũng như đề xuất các biện pháp căn cơ lâu dài. Đặc biệt là khắc phục tình trạng nông dân được mùa thì mất giá, bán sản phẩm ra nhưng được lãi rất ít; còn những thành phần khác thì được hưởng lợi nhiều hơn.

Trước tiên, Bộ trưởng NN&PTNT cùng với các điạ phương hướng dẫn bà con nông dân sản xuất cây trồng, vật nuôi với năng suất cao, giá thành hạ hơn thị trường cạnh tranh khác. Chỉ khi làm đúng theo yêu cầu của thị trường thì sản phẩm của nông dân làm ra mới không bị ế. Song song với đó, Bộ sẽ tìm biện pháp tạo ra môi trường cạnh tranh, không để cho tổ chức, nhóm đơn vị có ưu thế trên thị trường khống chế giá bán nông sản trên thị trường cũng như giá của nông dân.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân hình thành hợp tác xã, tổ liên kết hình thành chuỗi sản xuất để khẳng định vị thế mạnh hơn của nông dân trên thị trường. Bởi vì, hiện nay, nước ta có tới 9,5 triệu hộ gia đình nông dân canh tác lúa. Mỗi một hộ nông dân sản xuất với một lượng gạo nhỏ lẻ sẽ rất khó tác động, đàm phán với các thương lái về giá.

Tạm trữ lúa gạo không phải là giải pháp căn cơ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang),Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho biết: Trong thời gian chờ xây dựng thương hiệu gạo, để bảo vệ quyền lợi cho nông dân sản xuất lúa, Chính phủ có chủ trương thu mua tạm trữ với phương pháp hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp để mua tạm trữ. Chủ trương thì đúng, nhưng nông dân chưa đồng tình với cách làm như người nông dân bán lúa, doanh nghiệp lại mua tạm trữ bằng gạo. Lúc nông dân có lúa thì chưa tạm trữ, nông dân bán hết rồi lại tạm trữ. Vậy việc làm này có đúng với chủ trương hỗ trợ cho nông dân không và Bộ trưởng làm gì để nông dân được an tâm trong sản xuất? Việc tạm trữ lúa như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho nông dân?

Bộ trưởng sẽ làm gì để đạt kịp thời mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng năng suất hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, để sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh?

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, biện pháp tạm trữ là giải pháp tình thế, chỉ là một trong những giải pháp để tác động tới giá cả trên thị trường, chứ không phải là biện pháp căn cơ để giải quyết mọi vấn đề của thị trường lúa gạo. Vì vậy, đến nay, ngành lúa gạo cần phải có sự chuyển biến căn bản.

Mặc dù chúng ta có chủ trương giữ 3,8 triệu ha lúa nhưng cơ cấu cây trồng trên diện tích đó phải được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Không nhất thiết đất lúa là phải trồng lúa. Người dân có thể trồng những cây trồng khác đem lại thu nhập cao hơn. Còn những diện tích trồng lúa thì phải được quy hoạch và hướng dẫn hỗ trợ nông dân sản xuất bằng những loại giống có chất lượng cao, năng suất tốt theo công nghệ hiện đại để người dân có sản phẩm cao, với giá thành ưu thế có thể cạnh tranh trên thị trường”.

Ngoài ra, Bộ NN&PT Nông thôn cũng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn nông dân cách thức bảo quản, chế biến, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là năng lực xâm nhập vào thị trường xuất khẩu nông sản với giá cao và ổn định hơn. Trên cơ sở đó, nông dân mới được hưởng lợi ích xứng đáng với công sức bỏ ra./.