Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát qua Đài TNVN, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ ra được nhiều vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, những giải pháp của Bộ trong thời gian qua chưa thực sự giải quyết triệt để, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân như tình trạng hàng nông sản rớt giá; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn diễn ra gây thiệt hại cho nông dân;…

bo-truong-cao-duc-phat-tra-loi-chat-van_2797a.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 - QH khoá XIII. Ảnh Báo Người lao động.

Ông Lê Bá Lịch nói: “Tất cả các hàng nông sản đều rớt giá. Giá lúa tươi có 3.045 đồng/kg, mà giá lúa khô chỉ có 4.500đ/kg; lợn hơi thì xuống tới 32.000đ/kg ở miền Nam, ở miền Bắc xuống tới 38 – 40.000đ/kg, tức là đều dưới giá thành cả. Trong khi đó, ngô thì chúng ta vẫn phải nhập từ nước ngoài về mà đã lên tới 8.000/kg. Như vậy nông dân đang chịu đựng những cái rất là khốn khổ. Thế thì bây giờ Bộ trưởng có suy nghĩ gì về cơ cấu lại sản xuất ở Việt Nam, cái đó mới là vấn đề chiến lược”.

Về trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Hiện nay quy mô chăn nuôi của nước ta còn nhỏ lẻ, nên các hộ dân không chú trọng đến công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, khiến nguy cơ dẫn đến dịch bệnh rất cao. Bên cạnh đó, ông cũng đồng tình với nhận định lực lượng quản lý chăn nuôi hiện nay ở những trang trại và các địa phương còn quá mỏng.

Ông Nguyễn Đăng Vang kiến nghị: “Nếu như chúng ta hình thành Chi cục Chăn nuôi thú y hoặc Chi cục Thú y chăn nuôi, kể cả thủy sản thì như vậy chúng ta có một bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Việc quản lý theo hệ thống như vậy sẽ có lợi hơn. Thú y thực ra chỉ chiếm chưa đến 10% trong giá thành sản phẩm, còn thức ăn chăn nuôi, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, chúng ta phải có những người giúp đỡ nông dân”.

Còn ông Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp để quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để các sản phẩm nông sản của Việt Nam thực sự an toàn cho người tiêu dùng trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.“Công tác quản lý về thuốc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải chấn chỉnh trở lại. Lâu nay Cục Bảo vệ thực vật chủ yếu quản lý về kinh doanh, quản lý về đăng ký thuốc mới, còn quản lý sử dụng, hướng dẫn sử dụng là một mảng gần như bỏ trống. Tôi cho là cái đấy là sai lầm, cần phải chấn chỉnh. Sử dụng thuốc như thế nào phần lớn là các công ty thuốc, đại lý thuốc hướng dẫn cho nông dân chứ còn các cơ quan khuyến nông, cơ quan bảo vệ thực vật trực tiếp hướng dẫn cho nông dân về khâu sử dụng thì rất là ít”, ông Thơ nêu ý kiến./.