Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc: Nông nghiệp nước ta có nguy cơ lệ thuộc nước ngoài khi có tới 70% thức ăn chăn nuôi phụ thuộc doanh nghiệp FDI. Mỗi năm chúng ta phải chi hàng tỷ USD cho nhập khẩu giống, thức ăn chăn nuôi?

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: các loại giống cây trồng, vật nuôi cơ bản chúng ta đã sản xuất trong nước. “Cũng có thông tin nói là giống lúa có tới 60-70% phụ thuộc nước ngoài. Tôi xin báo cáo quốc hội thông tin đó không chính xác” – Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, chúng ta trồng 7,7 triệu ha lúa/năm (diện tích gieo trồng) trong đó có 700.000 ha lúa lai. 7 triệu ha trồng lúa thuần hầu như chúng ta tự sản xuất giống. Các nhà khoa học của Việt Nam chọn tạo ra các giống. Có thể một số giống chúng ta tiếp nhận nguồn gen từ Viện lúa quốc tế hoặc một số nước khác, các nhà khoa học đã chọn tạo cho phù hợp điều kiện sản xuất ở Việt Nam. Hiện tại, ở ĐBSCL hầu hết là như vậy, còn miền Bắc trồng lúa lai, 70% giống này là của Trung Quốc.

“Chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện để các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, chọn tạo giống lúa lai của Việt Nam. Nhưng thời gian qua, những giống lúa lai chúng ta làm ra chưa được tốt bằng nước bạn nên phải tiếp tục nhập khẩu” – Bộ trưởng nói.

Về giống cao su, cà phê và nhiều loại cây khác, theo Bộ trưởng, là chúng ta tự chọn. Tùy từng loại cây, con, có loại chất lượng của ta tốt nhưng có loại thua kém. Năng suất cà phê vối của Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Còn Brazil, Colombia đứng đầu về cà phê chè. Nước ta cũng có năng suất cao su cao hàng đầu thế giới. Giống cao su là do Viện Nghiên cứu cao su của Tập đoàn cao su nghiên cứu, tạo ra.

Về gia súc, chúng ta có nhập một số con đầu (con giống ông bà, cụ kị) rồi tổ chức nhân ra, và sản xuất thành giống thương phẩm để nuôi trong nước.

Về phân bón, Bộ trưởng cho biết: Nước ta không có nguồn Kali nên nhập hầu hết là phân Kali. Hiện tại, chúng ta sản xuất được một nửa nhu cầu phân phốt pho và tự chủ được 2/3 nhu cầu phân đạm.

Thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu nhập nguyên liệu rồi về đóng gói, sang chai. Về vaccine, cũng có loại chúng ta tự sản xuất được, nhưng có những loại chưa sản xuất được (cúm gia cầm, tai xanh phải nhập khẩu).

Đối với thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng thừa nhận: “Nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi là phụ phẩm từ lúa gạo, ngô, đỗ tương, khoai lang, sắn… Chúng ta nhập khẩu chủ yếu là ngô, đỗ tương và một phần lúa mì. Các nhà khoa học tính toán, chúng ta nhập khẩu khoảng 33% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp trong nước (cụ thể năm 2012 là 1,3 triệu tấn ngô và 1 triệu tấn đỗ tương và 2 triệu tấn khô dầu)”.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, ngành nông nghiệp đang cố gắng thúc đẩy phát triển sản xuất ngô và đỗ tương. Chúng ta đã có giống ngô năng suất cao, nhưng với đỗ tương thì sẽ khó hơn vì chúng ta chưa có giống có năng suất vượt trội.

Chính phủ rất quan tâm, quyết liệt chỉ đạo nên nhiều lĩnh vực chúng ta nâng cao được tự chủ sản xuất giống và nâng cao chất lượng giống cung cấp cho nông dân. Bên cạnh đó, các đơn vị trong nước cũng đã nâng cao năng lực sản xuất phân đạm và các loại phân bón, vaccine…

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong những chính sách khuyến khích, quan trọng nhất vẫn là chính sách thuế. Vì thế, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội khi xem xét các luật thuế có liên quan nên có sự quan tâm để có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cũng tiếp tục chỉ đạo hệ thống nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nước để chọn tạo, phổ biến cho nông dân; có chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu để chuyển giao cho nông dân những loại giống có chất lượng hơn./.