Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện, đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT chưa đồng ý biện pháp cưỡng chế đối với các ô tô chưa dán thẻ Etag.
Thẻ Etag được dán trên kính xe và trừ tiền vào tài khoản thẻ của chủ xe khi qua trạm thu phí. |
Bộ GTVT yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện về mặt cơ sở hạ tầng, lắp đặt các thiết bị phục vụ thu phí không dừng.
“Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng chúng ta mới phân luồng, ưu tiên xe dán thẻ Etag đi vào làn thu phí tự động, đồng thời vận động, tuyên truyền người dân tham gia dán thẻ”, ông Huyện nói.
Theo người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi Nhà nước đảm bảo các điều kiện thuận lợi, người dân chắc chắn tự nguyện dán thẻ Etag để thuận tiện cho việc lưu thông. Trường hợp số lượng xe dán thẻ Etag không như mong muốn, Tổng cục sẽ có tham mưu để Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đưa ra phương án phù hợp.
Trạm BOT QL1 tại Quảng Trạch (Quảng Bình) đã triển khai thu phí tự động không dừng. |
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước đã có 28 trạm thu phí triển khai lắp đặt hai làn thu phí không dừng. Các trạm thu phí BOT còn lại (do Bộ GTVT quản lý) vẫn đang tiếp tục triển khai lắp đặt. Đến nay đã có khoảng 500.000-600.000 xe (trên tổng số 3 triệu ô tô) được dán thẻ Etag.
“Theo lộ trình của Chính phủ, đến hết năm 2019, các trạm BOT trên cả nước bắt buộc triển khai thu phí không dừng, vì vậy, những phương tiện không dán thẻ Etag sẽ khó lưu thông”, ông Huyện cho hay.
Không cưỡng chế dán thẻ thu phí không dừng đối với ô tô. |
Được biết Bộ GTVT cũng đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Điểm đáng chú ý của thông tư này là chủ xe có thể phối hợp với ngân hàng thực hiện việc kết nối liên thông nhằm duy trì hạn mức tối thiểu trong tài khoản trả trước để chi trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Hạn mức tối thiểu này sẽ do chủ phương tiện quyết định và thỏa thuận với ngân hàng.
Trường hợp ô tô được gắn thẻ Etag đi qua trạm ETC mà tài khoản trả trước không đủ để chi trả, nhà cung cấp dịch vụ sẽ ghi nợ trên tài khoản trả trước và thông báo cho chủ xe. Chủ xe có nghĩa vụ nộp tiền vào tài khoản trả trước để thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo.
Hết thời hạn trên, nếu chủ phương tiện không nộp tiền để thanh toán thì nhà cung cấp dịch vụ thu phí sẽ từ chối cung cấp dịch vụ và khởi kiện chủ phương tiện.
Tiền trong tài khoản, không phải ngân hàng quản lý, ai hưởng lợi?
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, thành viên diễn đàn Otofun, chủ xe muốn sử dụng thu phí không dừng phải nộp trước một khoản tiền vào tài khoản giao thông, mà tài khoản này chưa thể tích hợp với tài khoản ngân hàng.
"Trong khi tiền trong tài khoản giao thông không được tính lãi, thậm chí chưa sử dụng dịch vụ đã phải đóng tiền. Vậy với gần 3 triệu xe, số tiền nộp trước sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, số tiền đó ai hưởng lợi?", ông Thắng đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, một số doanh nghiệp vận tải cũng bày tỏ, doanh nghiệp có nhiều đầu xe sẽ phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản trước, nhưng không được tính lãi suất. Hơn nữa tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng nên khi chuyển khoản phải mất phí, tiền phí này ai chịu?./.
Nhà đầu tư xin cơ chế đặc thù triển khai hệ thống thu phí không dừng
Chủ phương tiện thờ ơ với dán thẻ E-tag thu phí không dừng
Trạm thu phí dự án BOT: Bắt buộc phải có 50% cửa thu phí không dừng