Đây là dự án do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua Nhóm Tư vấn Bom mìn (MAG), nhằm di dời bom mìn và vật liệu chưa nổ tại Quảng Nam.

Tham dự lễ khởi động có ông David Shear - Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Quảng Nam là một trong những địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh lớn nhất cả nước.

 

hobom.jpg
Hố bom sẽ tiêu hủy những quả bom đạn chưa nổ (Ảnh: Dân trí)

Hậu quả của việc bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của Quảng Nam.

Ngay khi bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2012, Nhóm Tư vấn Bom mìn ở Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan quân sự địa phương tổ chức các hoạt động đánh giá tại huyện Thăng Bình, nhằm xác định các địa điểm của vật liệu chưa nổ ảnh hưởng đến cộng đồng.

Thông tin từ các hoạt động đánh giá được đội tháo dỡ vật liệu gây nổ của Nhóm Tư vấn Bom mìn sử dụng để sắp xếp các ưu tiên trong công việc khi bắt đầu dự án.

Theo ông David Shear - Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, từ năm 1989 đến nay, Mỹ hỗ trợ đáng kể để giải quyết vấn đề bom mìn chưa nổ ở Việt Nam.

Năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tài trợ trên 4 triệu USD cho các tổ chức phi chính phủ tiến hành các chương trình hỗ trợ liên quan đến rà phá bom mìn ở Việt Nam.

Hoa Kỳ quyết tâm duy trì cam kết phối hợp với Chính phủ Việt Nam để dọn sạch các vật liệu chưa nổ ở các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng trong chiến tranh.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến hết năm 2014./.