Thông tin tại “Hội thảo khởi động xây dựng Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức hôm nay (15/12) tại Hà Nội cho biết: Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nạn nhân chủ yếu của của bạo lực gia đình gia đình, mà còn có nguy cơ bị mua bán, lạm dụng và xâm hại tình dục ở các môi trường khác ngoài gia đình.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong khoảng từ năm 2012 đến quý I/2013, có 1.080 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của các vụ mua bán người được phát hiện; trong 5 năm từ 2008 – 2012, có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện trên toàn quốc. Mối lo ngại lớn nhất là tình trạng lạm dụng và bạo lực tình dục đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Theo khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tại Hà Nội và TP HCM cho thấy, 31% nữ sinh được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.

aaa_iprm.jpgCác đại biểu tham gia hội thảo

Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình cũng cho thấy, 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 – 60 đã từng kết hôn cho biết đã từng hứng chịu bạo hành. Mặc dù vậy, 50% nạn nhân là nữ chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo hành; 87% nạn nhân chưa bao giờ tìm đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều bước tiến trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng trống về cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp  trong thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Theo ông Phạm Ngọc Tiến, rất nhiều cơ quan ban ngành cùng vào cuộc trong vấn đề này, song lại chưa có quy định về cơ quan chịu trách nhiệm giải trình khi bạo lực giới xảy ra. Bên cạnh đó, một số hành vi, định nghĩa như “quấy rối tình dục”, “bạo lực giới”, “bạo lực giới với người đồng tính, chuyển giới”… vẫn chưa chưa rõ ràng nên khó áp dụng để xử phạt.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: “Vấn đề cần thiết hiện nay là phải xây dựng một chương trình tổng thể về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó làm rõ trách nhiệm giải trình và kết nối chặt chẽ các bên liên quan nhằm xây dựng và triển khai các biện pháp can thiệp một cách tổng thể, đồng bộ và kịp thời”./.