Thời gian gần đây, dự luận đặc biệt quan tâm và hết sức lo lắng trước tình trạng nhiều nam thanh niên hăm dọa, bạo hành, thậm chí ra tay giết người yêu hết sức dã man. Điển hình như vụ đối tượng Trần Trọng Phú (27 tuổi, Đà Nẵng) đã dùng xăng tưới lên người chị T. (là người yêu cũ đã chia tay) rồi châm lửa đốt, khiến nạn nhân tử sau sau đó tại bệnh viện. Gần đây nhất, thiếu nữ tên là H. ở Thanh Hóa bị người yêu cũ là Nguyễn Văn Quyết (21 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) xông vào phòng trọ và dùng dao đâm liên tiếp, khiến H. tử vong…

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Phạm Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) khẳng định, bạo lực trong tình yêu vẫn chưa được xã hội thực sự quan tâm; các bạn trẻ chưa được giáo dục đầy đủ, cũng như những cơ quan chức năng chưa đồng hành cùng giới trẻ trong phòng chống bạo lực, đến khi hậu quả xảy ra thì mới đi lo giải quyết “phần ngọn” của vấn đề.

anh1_qnod.jpg Bà Phạm Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED)

PV: Gần đây báo chí thông tin nhiều vụ án mạng liên quan đến bạo lực trong tình yêu mà nạn nhân là phụ nữ. Theo đánh giá của bà, đâu là căn nguyên của tình trạng này?

Bà Phạm Kim Ngọc:Giống như những bạo lực khác, bạo lực giữa con người với con người có những khía cạnh liên quan đến cơ sở giới, nghĩa là cách ứng xử đối với phụ nữ. Từ gốc rễ sâu xa, khi con người được giáo dục đã tồn tại quan niệm phụ nữ yếu thế hơn nam giới. Rồi quan điểm “phụ quyền” cũng khẳng định phụ nữ luôn được coi là thiệt thòi, là người phải tuân thủ.

Thế nên, khi một người nam yêu một người nữ thì họ đã mang trong mình quan điểm, tư tưởng đó rồi. Việc anh ta sẵn sàng gây ra bạo lực đối với người phụ nữ là xu hướng rất dễ dàng xảy ra. Bạo lực gia tăng không chỉ xuất phát từ quan điểm, tư tưởng trên, mà trong xã hội ngày nay, độ tăng cường và “hun đúc” của bạo lực đang gia tăng. Điều này xuất phát từ những việc các cá nhân đang theo đuổi, cũng như “tích lũy” nhiều thứ bức bối trong lòng. Khi không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình, anh ta có xu hướng sẵn sàng sử dụng bạo lực với người khác, nhất là với phụ nữ, vì đó là nhóm yếu thế, thấp kém hơn mình. Người nam cảm thấy mình ở mức “bề trên”, nên khi có xung đột đỉnh điểm thì hành động cùng cực nhất là giết người yêu có thể xảy ra.

Không những thế, những người cảm thấy mình có sức mạnh hơn thì họ cũng dễ dàng lấn lướt người khác. Không chỉ những đôi nam nữ yêu nhau, mà giữa cặp nam với nam, nữ với nữ, thậm chí bạn bè đơn thuần thì họ cũng có xu hướng này.

PV: Đã có trường hợp những cô gái bị người yêu bạo hành đã tìm đến chính quyền địa phương để tìm sự can thiệp, nhưng hậu quả đau lòng vẫn xảy ra. Theo bà, xã hội đã thật sự quan tâm đầy đủ tới hiện tượng này?

Bà Phạm Kim Ngọc:Pháp luật đặt ra để giúp chúng ta được hỗ trợ, bảo vệ. Sự hỗ trợ của công an hay các bên khác nhau đều là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được tốt điều đó hay không đòi hỏi nhà chức trách thực sự ý thức về điều đó như thế nào. Nếu muốn giải quyết được vấn đề như thế, người hỗ trợ thực sự phải có trách nhiệm và phải được đào tạo một cách đầy đủ về chuyên môn. Các tổ chức xã hội dân sự có thể song hành cùng chính quyền tham gia vào lĩnh vực này.

Hiện trường vụ án nam thanh niên tưới xăng đốt bạn gái cũ ở TP Đà Nẵng (Ảnh: Thành Long)

Dư luận cũng lo lắng là tại sao giờ đây bạo lực xảy ra nhiều hơn? Một phần xuất phát từ “độ nóng” của thông tin, còn khía cạnh nữa là bạo lực khi các đôi còn đang yêu nhau chưa được quan tâm. Có thể thấy, bạo lực từ các cặp đôi khi đang còn trẻ hầu như ít lộ ra, lúc xảy ra đỉnh điểm thì xã hội mới biết đến. Trong quá trình yêu nhau, người phụ nữ chịu đựng, chấp nhận như thế nào thì họ không nói ra. Người nam sẵn sàng lấn lướt bạn gái từ cử chỉ, bắt phải nghe theo từ cái rất nhỏ trong mối quan hệ thân mật, từ đó tạo xu hướng sẽ chấp nhận bạo lực và dễ gây bạo lực.

Do đó, cần chú ý đến bạo lực trong các cặp đôi đang yêu nhau, cũng như các bạn trẻ cần phải nhận thức ra điều này. Họ cần hiểu không chấp nhận bạo lực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các cơ quan chức năng cũng phải đi song hành bên các bạn để họ nhận ra, hơn là phải đi giải quyết hậu quả.

PV: Theo bà, chúng ta cần tư vấn, giáo dục trẻ em gái như thế nào để giúp họ tránh bạo lực, cũng như khi lớn lên không yêu nhầm những chàng trai ưa “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay?”

Bà Phạm Kim Ngọc:Theo tôi, các bậc bố mẹ phải giúp các em gái nhận ra rằng mình không chấp nhận bạo lực phải ngay từ ban đầu. Nếu người mẹ từng chịu bạo lực ở một mức độ nào đó thì họ phải gắng làm thay đổi, không chấp nhận bạo lực. Điều này “làm gương” cho người con nhận ra. Nếu người mẹ không giải quyết được vấn đề trong gia đình mình thì cần thúc đẩy cho người con phá bỏ “luật lệ”, “khuôn mẫu” giới đó đi để các em trở thành người hoàn toàn độc lập, thấy mình có quyền và bình đẳng với bất cứ ai trong gia đình và xã hội; thậm chí bình đẳng ngay trong gia đình, giúp các em khỏi áp lực khi lớn lên hòa nhập xã hội.

Việc “tạo ra sự mạnh mẽ cho trẻ em gái” có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ ai và trong mọi hoàn cảnh. Khi các em gái nhìn nhận xung quanh với con mắt rất công bằng, bình đẳng, họ có thể nhóm lại với nhau để chống lại bạo lực bằng nhiều cách. Ở đây truyền thông cực kỳ quan trọng, có thể đem lại sự thay đổi cho dư luận. Các bạn trẻ nên đặt và trả lời những câu hỏi như: Tại sao người phụ nữ lại bị văn hóa níu kéo như thế? Tại sao với nam thế này, với nữ lại khác? Tại sao phụ nữ lại chịu “đàn áp” về nhiều mặt? Xã hội cần giúp các em tự hào mình là người phụ nữ và có sức mạnh của mình.

Về mặt pháp lý, đương nhiên là cần thiết. Tuy nhiên, người bị bạo lực không thể chờ đợi được luật pháp, bởi còn khoảng trống giữa luật pháp và việc thực thi, cho nên cần có sự thay đổi của mỗi cá nhân trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn bà!./.