Nhân ngày Quốc tế Chống đói nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10, sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc và sứ quán Ireland tổ chức Hội nghị Công bố Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và khởi động Dự án hỗ trợ giảm nghèo do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc và Cộng hòa Ireland tài trợ.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 phấn đấu đến năm 2015 có 10% số huyện nghèo và 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, cùng 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Chương trình cũng đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011…Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là hơn 27.500 tỷ đồng. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 là một trong các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 80 của Chính phủ, là một chương trình giảm nghèo duy nhất trong giai đoạn 2012-2015, nguồn lực đầu tư cho Chương trình đã được Quốc hội, Chính phủ xác định và cân đối cho cả giai đoạn, trong đó Ngân sách Trung ương bố trí chiếm tỷ trọng 74%, còn lại là các nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động hợp pháp khác.

Dự án hỗ trợ giảm nghèo cho Việt Nam, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc và Cộng hòa Ireland tài trợ giúp 8 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Nghị quyết 80 và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nhằm giảm nghèo 4%/năm ở các huyện, xã nghèo nhất, vùng miền núi, dân tộc thiểu số là những bước đi đúng hướng trong việc giải quyết vấn đề nghèo. Dự án hỗ trợ giảm nghèo cho Việt Nam nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn cho thanh niên và nông dân đang thiếu việc làm; cung cấp bảo trợ xã hội cho các nhóm yếu thế, mang lại dịch vụ xã hội tốt hơn là giải pháp quan trọng để duy trì kết quả bền vững trong giảm nghèo tại Việt Nam, cũng như nhiều nước đang phát triển trên thế giới./.