Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu mùa khô hạn đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra tình trạng sạt lở ven bờ kênh, mương thủy lợi rất nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì vào đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở tiếp diễn gây ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn nước ngọt, tiêu thoát nước và việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Hệ thống kênh rạch vùng Gò Công cạn đáy là một trong những nguyên nhân gây sạt lở.

Toàn tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 85 điểm sạt lở có quy mô vừa và lớn, với chiều dài hơn 13,4km, tập trung ở 46 tuyến kênh, rạch thuộc các huyện, thị phía Đông của tỉnh. Nghiêm trọng nhất là các tuyến kênh 14, rạch Vàm Giồng (huyện Gò Công Tây), Xuân Hòa- cầu Ngang- Kênh Tham Thu, kênh Bình Phan (huyện Chợ Gạo- Gò Công Tây), rạch Gò Công, rạch Sơn Qui- Láng Nứa (Thị xã Gò Công), kênh Trần Văn Dõng (huyện Gò Công Đông). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quá trình bơm nước chống hạn cứu lúa, làm thay đổi dòng chảy và khi mực nước thấp đột xuất… gây sạt lở đất 2 bên bờ kênh, rạch.

Chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục một điểm sạt lở ven kênh rạch.

Ông  Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang- đơn vị quản lý hệ thống kênh mương thủy lợi cho biết, nếu không sớm có biện pháp khắc phục vào đầu mùa mưa có nguy cơ sạt lở tiếp diễn.

"Hiện có một số tuyến kênh đã bị sạt lở 1/3 tuyến, cao trình đáy không đảm bảo, do đó sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông của dòng nước. Nghiêm trọng nhất là kênh 14, kênh Bình Phan, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Địa phương đang có kế hoạch nạo vét, chủ yếu là không hoàn trả hiện trạng ban đầu được, chỉ nạo vét luồng bên dưới, chờ mái ổn định mới khắc phục được. Nếu không khắc phục khi mưa xuống sẽ tiếp tục sạt lở"- ông Sơn cho biết./.