Sáng nay (18/11), tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  tổ chức Hội thảo bên lề Hội nghị không chính thức lần thứ 14 của Diễn đàn Á - Âu (ASEM) về quyền con người và doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp và Nhân quyền”. Tham dự Hội thảo có đại diện nhiều viện nghiên cứu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, một số công ty, tập đoàn đa quốc gia đến từ 53 thành viên của ASEM.

 

hoi_thao_smsa.jpgHội thảo bên lề Hội nghị không chính thức ASEM lần thứ 14 về quyền con người và doanh nghiệp 

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Thương lượng tập thể và quyền của người lao động; trách nhiệm của doanh nghiệp và việc thực hiện quyền của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thỏa ước lao động tập thể và vấn đề tiền lương...

Ông Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người nhận định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề quyền con người, trong đó quyền người lao động được quan tâm nhiều và mỗi quốc gia đều chú trọng đến việc bảo vệ nhân quyền, quyền con người. Tuy nhiện, hiện nay tại nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia phát triển vẫn còn tình trạng bất bình đẳng trong lao động giữa phụ nữ và nam giới. Ông Đặng Dũng Chí cũng cho rằng: các quy định nằm trong công ước về quyền con người không đòi hỏi mỗi nước thực hiện ngay lập tức mà tùy theo năng lực mỗi quốc gia. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng để đảm bảo Quyền con người được thực hiện.

Một số đại biểu cho rằng đối với người lao động, để bảo đảm quyền và lợi ích cho họ cần tăng cường thúc đẩy thương lượng, ký kết và tổ chức thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp. Trong đó, tổ chức công đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn về kỹ năng đối thoại, ký kết thỏa ước tại các doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở đại diện cho người lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Công đoàn đang chỉ đạo quyết liệt để thực hiện kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động phải đi đến điểm chung trong tất cả các đàm phán và thương lượng. Đặc biệt là ký kết thỏa ước lao động tập thể, quyền gì người lao động được quy định thì phải thực hiện”.

Hội nghị không chính thức ASEM lần thứ 14 về quyền con người và doanh nghiệp sẽ diễn ra từ hôm nay đến ngày 20/11. Đây là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) nhằm tạo cơ hội để tăng cường hiểu biết, trao đổi bài học, kinh nghiệm giữa đại diện các cơ quan Chính phủ, viện nghiên cứu, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của hai châu lục Á-Âu trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. 

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp của Việt Nam với diễn đàn ASEM mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, ở cương vị là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam muốn cho thấy sự tôn trọng những giá trị phổ quát về quyền con người và sẵn sàng đối thoại để thu hẹp những khác biệt. Chủ đề của hội thảo về trách nhiệm bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp cũng phù hợp với quan tâm và nỗ lực hiện nay của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững ./.